Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

Cho bé ăn dặm: Phương pháp nào thật sự tốt cho bé?

So ưu khuyết điểm giữa 3 phương pháp cho bé ăn dặm phổ biến nhất hiện nay: Ăn dặm truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật và ăn dặm tự chỉ huy, đâu mới là lựa chọn hoàn hảo cho bé cưng?



Hiện nay, có 3 phương pháp ăn dặm được nhiều mẹ quan tâm nhất là ăn dặm truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật và ăn dặm tự chỉ huy. Mỗi phương pháp đều có ưu, nhược điểm riêng. Hơn nữa, mỗi bé sẽ phù hợp với một cách ăn dặm riêng. Trong 3 phương pháp này, đâu là cách cho bé ăn dặm tốt nhất? Mẹ có thể kết hợp cùng lúc cả 2, thậm chí cả 3 không? Tham khảo bài viết sau để biết được cách ăn dặm phù hợp với bé cưng nhất, mẹ nhé!

1/ Cho bé ăn dặm kiểu truyền thống

Rất nhiều bà mẹ hiện đại cho rằng phương pháp ăn dặm truyền thống không còn phù hợp với xu hướng hiện nay. Tuy nhiên, bạn có thể sẽ giật mình khi biết mỗi năm vẫn có hàng triệu trẻ em Việt Nam được cho ăn theo cách này.
Ưu điểm: Chế biến nhanh, không mất nhiều thời gian chuẩn bị
Khuyết điểm: Vì thường xuyên ăn bột, cơm nhuyễn nên khả năng ăn thực phẩm thô của trẻ kém phát triển. Nhiều bé 2 tuổi nhưng vẫn phải ăn cơm nhuyễn. Hơn nữa, việc nấu chung các nguyên liệu với nhau sẽ làm bé khó cảm nhận mùi vị, từ đó dẫn đến biếng ăn hoặc kén chọn thực phẩm.

2/ Ăn dặm kiểu Nhật 

Đây là phương pháp cho bé ăn dặm đang được rất nhiều mẹ Việt ưu ái. Với phương pháp này, bé bắt đầu tập ăn dặm từ 5-6 tháng tuổi với cháo loãng theo tỷ lệ 1:10. Độ thô của cháo sẽ tăng dần theo độ tuổi của bé. Ngoài cháo, bé cưng được ăn các loại thực phẩm khác như thịt, cá, rau xanh với độ thô phù hợp. Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là trẻ được ăn riêng từng loại thức ăn, đảm bảo đủ 3 nhóm thực phẩm: tinh bột, vitamin, và đạm theo chuẩn: vàng – đỏ – xanh.



Ưu điểm: So với ăn dặm kiểu truyền thống, bé ăn dặm kiểu Nhật sẽ có khả năng ăn thô sớm hơn. Ngoài ra, nhờ ăn riêng từng loại thức ăn, bé làm quen tốt hơn với mùi vị thực phẩm. Đồng thời, bé ăn dặm kiểu này cũng được tập thói quen ngồi ăn ngay từ nhỏ.
Nhược điểm: Trong giai đoạn đầu chuẩn bị, mẹ sẽ rất mất thời gian, công sức khi phải chuẩn bị riêng từng món.


3/ Ăn dặm tự chỉ huy

Không có quấy bột, không cháo loãng là điểm đặc trưng của phương pháp này. Ngay từ lần ăn dặm đầu tiên, bé sẽ được tập ăn thô y như người lớn. Không nhằm mục đích “nhồi nhét” thực phẩm vào dạ dày của bé, ăn dặm tự chỉ huy chủ yếu tập trung vào việc tập cho bé nhai. Trong giai đoạn này, sữa vẫn là thực phẩm chủ yếu.
Một điểm khác cũng khá đặc biệt trong phương pháp ăn dặm này: Trẻ không dùng muỗng, không bát đũa mà sẽ dùng chính đôi tay của mình. Với phương pháp này, mẹ sẽ chuẩn bị cho bé những thức ăn nguyên miếng, được hầm mềm như cà rốt, khoai tây, cơm nắm, chuối, lườn gà bỏ xương… Bé sẽ “tự chọn” món ăn yêu thích của mình để cho vào miệng.
Ưu điểm:
– Bé tự khám phá mùi vị, kết cấu cũng như màu sắc của từng loại thức ăn
– Phát triển kỹ năng vận động phối hợp giữa tay-mắt và kỹ năng nhai
– Trẻ tự do ăn đúng lượng thực phẩm bé cần, theo thời gian của riêng mình
– Không cần tốn thời gian chuẩn bị đồ ăn riêng cho bé
Nhược điểm: Trong vài tháng đầu trẻ tập làm quen với phương pháp ăn dặm tự chỉ huy sẽ chỉ ăn rất ít. Vì vậy, những mẹ đặt tiêu chí muốn con tăng cân nhanh sẽ không phù hợp. Ngoài ra, việc cho trẻ ăn thô ngay từ đầu rất dễ làm bé bị hóc, nghẹn. Đồng thời, thức ăn để trên bàn đòi hỏi mẹ phải thường xuyên vệ sinh, lau dọn nếu không có thể làm bé bị tiêu chảy.

Thay vì gượng ép trẻ theo một phương pháp ăn dặm nhất định, mẹ nên cho bé ăn tùy theo khả năng, cũng như sở thích. Hơn nữa, mẹ cũng có thể chọn cách kết hợp nhiều phương pháp ăn dặm với nhau để có phương pháp phù hợp nhất. Thực tế, nhiều trẻ thích ăn thô sớm, chỉ 10 tháng đã có thể ăn cơm nhưng có trẻ 1 tuổi vẫn không chịu ăn gì ngoài thức ăn xay nhuyễn, dù cùng theo một phương pháp ăn dặm. Tốt nhất, khi cho bé ăn dặm, mẹ nên lưu ý đến sự hợp tác và nhu cầu của bé. Với bé không thích ăn thô, chắc chắn mẹ không thể cứng nhắc áp dụng phương pháp ăn dặm tự chỉ huy hay ăn dặm kiểu Nhật hoàn toàn được. Cần kiên trì tập dần cho bé ăn, xen kẽ những bữa ăn thô và ăn nhuyễn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét