Không có gì lạ khi trò chơi tung hứng, hay còn gọi là trò "máy bay" dành được sự yêu thích của nhiều trẻ, bởi cảm giác mới lạ khi bé được lơ lửng trên không. Tuy nhiên, trò đùa tưởng chừng vô hại này lại có thể mang đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Trẻ bị đung đưa, lung lay quá nhiều có thể gây chấn thương não bộ, thậm chí dẫn đến chấn thương suốt đời như mù, liệt. Điều này hẳn nhiều mẹ đã biết. Tuy nhiên, mẹ có biết việc tung hứng trẻ lên cao, trò chơi thường thấy của nhiều gia đình cũng có thể gây những ảnh hưởng tương tự đến sự phát triển của trẻ, nhất là trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi?
>>> Click ngay: Tung hứng gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
1/ Chấn thương đốt sống cổ
Trẻ sơ sinh dưới 4 tháng tuổi phần cổ khá mềm và dễ bị tổn thương. Bất kỳ di chuyển mạnh nào trong giai đoạn này cũng có thể làm bé bị tổn thương, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên mới bắt đầu có khả năng kiểm soát và nâng đỡ phần đầu của mình. Tuy nhiên, những hoạt động như rung lắc, đung đưa hay tung hứng vẫn có thể dẫn đến nguy cơ gãy gập cổ nếu mẹ không đỡ tay đúng vị trí.
2/ Nguy cơ té ngã từ trên cao
Khi tung bé lên cao, bạn có nguy cơ không bắt kịp, dẫn đến trẻ rơi thẳng xuống đất. Tùy độ cao và bề mặt tiếp xúc, các chấn thương có thể xảy ra như: gãy xương, chấn thương sọ não, tụ máu ngoài màng cứng,… Thực tế cho thấy, rất nhiều trường hợp trẻ tử vong do bố mẹ không đỡ kịp thời.
3/ Hội chứng trẻ bị rung lắc
Ngoài đung đưa, rung lắc trẻ, việc tung trẻ trong không khí vẫn có thể làm trẻ dưới 2 tuổi mắc phải Hội chứng trẻ bị rung lắc. Nguyên nhân do não của trẻ chưa phát triển hết nên vẫn còn nhiều khoảng trống, đồng thời não trẻ cũng mềm, mỏng hơn so với người lớn nên rất dễ tổn thương khi gặp phải tác động mạnh. Lực tác động mạnh làm di chuyển não, dẫn đến những va đập trong xương sọ, làm dập não, phù hoặc gây chảy máu trong.
Lưu ý dành cho mẹ
– An toàn cho bé khi chơi trò “máy bay”
Vẫn muốn cho con thử cảm giác “lơ lửng” trên không, bố mẹ có thể nhẹ nhàng bế trẻ đưa lên cao. Lưu ý, tay vẫn giữ trên người trẻ. Tuyệt đối không tung trẻ lên cao để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra.
Khi trẻ khóc, đa phần các mẹ thường có thói quen bế trẻ, đung đưa qua lại hoặc đưa nôi, đưa võng nhiều và mạnh hơn. Tuy nhiên, đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hội chứng rung lắc trẻ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ. Thậm chí có thể gây tử vong.
Trẻ sơ sinh không thể nói, vì vậy, khóc là cách bé giao tiếp cũng như bày tỏ mong muốn của mình. Thay vì rung lắc để dỗ trẻ, mẹ nên kiên nhẫn tìm hiểu nguyên nhân vì sao bé khóc: bé muốn thay tã, đói bụng, khó chịu…, sau đó tìm cách giải quyết thích hợp.
Nguồn: marrybaby.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét