Đôi chân vòng kiềng cong vẹo, ảnh hướng lớn đến thẩm mỹ và vận động của trẻ. Dưới đây là nguyên nhân và cách phòng ngừa chân vòng kiềng ở trẻ.
1. Nhận biết chân vòng kiềng
Chân vòng kiềng hay chân chữ O là tình trạng gối vẹo vào trong làm trẻ khi đứng hai gối không sát được vào nhau. Chân vòng kiềng thường bị vẹo cả hai gối và cả xương đùi, xương chày. Khi đứng thẳng, khớp gối hai bên nghiêng vào trong làm cho hai đầu gối không thẳng khít, có khe ở giữa khoảng 1,5cm hoặc là khớp gối bình thường, nhưng cẳng chân cong vào trong hay có hình cung, có khe giữa trên 1,5 cm.
2. Nguyên nhân trẻ đi chân vòng kiềng
Quan niệm dân gian cho rằng “bế cắp nách” quá sớm là nguyên nhân của chứng chân đi vòng kiềng ở trẻ. Theo nhiều nghiên cứu trong thực tế, trẻ ở các vùng có thói quen sinh hoạt như được cha mẹ địu trên lưng, trẻ nhỏ thường xuyên cưỡi lừa, ngựa có tỷ lệ mắc tật chân vòng kiềng cao hơn.
Trẻ bị còi xương do thiếu vitamin D là nguyên nhân chính dẫn đến chân vòng kiềng. Còi xương là một rối loạn phát triển xương thường do thiếu vitamin D, canxi. Trẻ bị còi xương thường có những biểu hiện như cẳng chân cong, đau cơ, gan lách to…
Trẻ tập đứng, tập đi quá sớm, do xương cẳng chân của bé còn yếu, chưa đỡ được sức nặng của cơ thể, nhất là đối với những trẻ quá bụ bẫm hoặc béo phì. Bởi những trẻ này có cân nặng lớn, gây áp lực lên xương chân trong khi hệ cơ xương chưa thực sự vững chắc. Tác động này kéo dài dẫn đến chân cong vẹo. Ngoài ra, một số trẻ có chân vòng kiềng còn do nguyên nhân di truyền từ cha mẹ
3. Phòng ngừa chân vòng kiềng
Cho con bú sữa mẹ
Trong sữa mẹ có nhiều dưỡng chất quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ, nhất là hàm lượng vitamin D và canxi dồi dào và dễ hấp thụ nhất, rất cần thiết cho sự phát triển xương của trẻ, vì vậy cần cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu.
Vitamin D và canxi trong sữa mẹ giúp giúp bé hạn chế bệnh còi xương (còi xương là nguyên nhân gây vòng kiềng ở trẻ). Đến tuổi ăn dặm, cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất, cung cấp đủ lượng canxi và vitamin D cần thiết từ các sản phẩm từ sữa, lòng đỏ trứng… cho bé.
Nắn chân cho trẻ
Nắn chân cho bé một cách nhẹ nhàng, đều cả hai chân giúp lưu thông máu và thúc đẩy sự phát triển của cơ xương. Khi nắn chân, các bé luôn duỗi thẳng chân sẽ tạo thành thói quen cho bé, giúp hạn chế phần nào tật vòng kiềng. Cha mẹ nên nắn hướng vào trong, từ đùi xuống mắt cá chân. Nên nắn chân hàng ngày, đều đặn, trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm.
Không cho trẻ tập đi sớm
Không nên cho bé ngồi xe tập đi và tập đi quá sớm. Đi sớm có thể ảnh hưởng đến hình dáng và chức năng của chân do hệ xương của trẻ chưa phát triển hoàn thiện. Trọng lượng của cơ thể sẽ dồn ép xuống chân khiến chân trẻ bị biến dạng (vòng kiềng). Ở mỗi trẻ khác nhau sẽ có thời gian tập đứng, đi khác nhau, không nên nóng vội dạy trẻ biết đi. Thời gian thích hợp để tập đi là ngoài 9 tháng.
Bổ sung đầy đủ vitamin D và canxi
Canxi là khoáng chất chủ yếu quyết định sự hình thành, phát triển và hoàn thiện của hệ xương, răng. Thiếu canxi trẻ sẽ dễ bị còi xương, biến dạng xương, loãng xương. Trong khi đó, vitamin D là chất giúp cho cơ thể hấp thu canxi. Thiếu vitamin D trong thời gian dài sẽ làm giảm việc hấp thu canxi, phốt pho và khiến sự phát triển của xương gặp trở ngại. Do đó, bạn cần lưu ý bổ sung hai chất quan trọng này vào bữa ăn hàng ngày của trẻ.
Tắm nắng cho trẻ
Không nên nuôi trẻ theo quan niệm truyền thống là phải tuyệt đối giữ trẻ sơ sinh trong nhà, đặc biệt là trong phòng kín. Hãy cho bé tắm nắng thường xuyên. Tắm nắng giúp cơ thể trẻ hấp thu một lượng lớn vitamin D từ ánh nắng mặt trời. Khi trẻ có đầy đủ vitamin D sẽ hạn chế các hiện tượng về xương, đặc biệt là bệnh còi xương (nguyên nhân hàng đầu gây chân vòng kiềng ở trẻ).
Nguồn: http://nhatkybe.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét