Thứ Tư, 12 tháng 10, 2016

8 Vấn đề các mẹ cần biết và khắc phục khi cho con bú

Cho con bú thực sự không phải là việc dễ dàng đối với các bà mẹ, đặc biệt là với những người lần đầu tiên trở thành mẹ. Hãy làm cho việc cho con bú trở nên dễ dàng và trở thành những khoảnh khắc thú vị bằng cách trang bị cho mình những kiến thức cần thiết.
Với 30 năm kinh nghiệm giảng dạy và đào tạo y, bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Lucile Packard, Stanford, Palo Alto, California, cô Jan Morton đã chia sẻ những giải pháp cho các vấn đề thường gặp khi cho con bú sữa mẹ.



1. Đau núm vú khi cho bé bú không đúng cách

Khi bắt đầu cho con bú, người mẹ sẽ thường cảm thấy đau đặc biệt là với người lần đầu tiên cho con bú. Quá trình cho con bú cần sự kiên nhẫn của người mẹ. Cơn đau thường kéo dài khoảng một phút, tuy nhiên nếu kéo dài lâu thì nên ngừng cho bé ăn và kiểm tra lại tư thế bạn cho trẻ bú đã đúng chưa?

Giải pháp:
Người mẹ nên đảm bảo rằng núm vú được đặt đúng vị trí để sâu và thẳng vào vòm miệng bé, môi của bé bao kín núm vú. Khi chỉnh lại vị trí nên nhẹ nhàng đặt ngón trỏ vào miệng bé để đưa vú ra khỏi miệng bé. Hơi xoa vào cằm bé đợi cho đến khi bé mở miệng ra, tận dụng cơ hội này để chỉnh lại ví trí đặt núm vú. Khi bú đúng cách, mũi và cằm của bé sẽ chạm vào ngực mẹ, môi dưới hơi trề ra nên không thể thấy núm vú cũng như phần dưới quầng vú. Mặc dù người mẹ cho bé bú đúng cách nhưng có thể vẫn đau vì hiện tượng khô vú. Bạn nên mặc quần áo thoải mái, không dùng xà phòng khi vệ sinh vú mà chỉ nên dùng gạc lau sạch.

2. Nứt đầu vú



Nứt đầu vú có thể do một trong những nguyên nhân sau đây: viêm núm vú, khô hay cho bé bú không đúng cách. Hiện tượng sưng, nứt hay chảy máu ở đầu vú có thể diễn ra trong suốt tuần đầu tiên. Mặc dù không có tác động tiêu cực đến bé song sẽ làm người mẹ cực kì đau đớn.

Giải pháp:
Kiểm tra lại ví trí đặt vú của mình vào miệng bé. Nên chia nhỏ số lần cho bé bú. Khi em bé càng có nhu cầu bú thì việc bú sẽ “mềm mại” hơn. Không nên sử dụng các loại thuốc không được chỉ định để làm sạch đầu vú. Bạn nên bôi một chút sữa mẹ lên núm vú (sữa thực sự có thể giúp vết nứt liền lại) hoặc dùng loại sữa làm ẩm được bác sĩ khuyên dùng.

3. Tắc nghẽn sữa

Tắc nghẽn ống dẫn sữa là khi người mẹ cảm thấy một số chỗ trên vú bị cơ cứng, đau hoặc có thể xuất hiện một số mẩn đỏ. Nếu người mẹ bắt đầu thấy sốt và đau nhức, đó chính là dấu hiệu của nhiễm trùng, bạn nên đến gặp bác sĩ. Quan trọng nhất là không nên kéo dài khoảng cách giữa các lần cho con bú-nên cho bé bú thường xuyên. Một chiếc áo ngực quá chật, hay tình trạng tâm lý căng thẳng cũng là một trong những nguyên nhân khiến các ống dẫn sữa bị tắc, ảnh hưởng đến dòng sữa của bạn.



Giải pháp:

Tốt nhất bạn nên có thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Cho bé bú thường xuyên hơn hoặc dùng dụng cụ hút sữa để giảm lượng sữa thừa bên trong vú. Nên dùng khăn ấm để mát-xa ngực và bầu vú để kích thích sữa bên trong đi ra ngoài.

4. Căng tức ngực do ứ sữa

Việc tích tụ nhiều sữa trong tuyến vú khiến mẹ cảm thấy căng tức ngực, vú của người mẹ sẽ sưng cứng khiến cho bé khó bú.

Giải pháp:
Cách tốt nhất là nên dùng tay xoa nhẹ làm bầu vú được thư giãn lưu thông tốt, sữa chảy ra “êm ái” không làm bé khó chịu.

5. Viêm vú

Viêm vú lá dấu hiệu nhiễm trùng do vi khuẩn ở bầu vú của người mẹ thông qua các triệu chứng như sốt và đau ngực. Hiện tượng này phổ biến trong vòng vài tuần đầu tiên sau khi sinh (mặc dù nó cũng có thể xảy ra trong quá trình cai sữa). Nguyên nhân là do các vết nứt ở đầu vú, hay ống dẫn sữa bị tắc, hoặc ứ sữa.

Giải pháp:
Biện pháp duy nhất để điều trị các nhiễm trùng là sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ, chườm nóng và chú ý vệ sinh vú thường xuyên.

6. Tưa đầu vú

Tưa đầu vú là hiện tượng nhiễm nấm, nguyên nhân thường do từ miệng của bé và lây sang vú của mẹ khi bú. Nếu bé bị tưa miệng, bạn sẽ bị lây và bị tưa đầu vú. Người mẹ sẽ cảm thấy đau, ngứa thấy xuất hiện những đốm trắng ở miệng bé và cả đầu vú của mình.

Giải pháp:
Người mẹ nên đến gặp bác sĩ để nhận thuốc điều trị đồng thời cả miệng của bé và cả bầu vú để tránh nhiễm khuẩn nấm.

7. Sữa quá ít

Bé bú càng nhiều thì cơ thể bạn sẽ sản sinh ra càng nhiều sữa. Do đó, nếu bạn có quá ít sữa, chứng tỏ bé chưa bú đúng cách. Nếu sữa ít cũng sẽ ảnh hưởng đến cân nặng của bé

Giải pháp:
Nên chăm sóc và mát xa thường xuyên khi để tăng lượng sữa cung cấp đầy đủ cho bé.

8. Núm vú phẳng hoặc lõm

Người mẹ có thể kiểm tra xem núm vú của mình có phải thuộc loại núm vú phẳng hoặc lõm bằng cách dùng ngón trỏ và ngón cái nhẹ nhàng nắm lấy đầu vú, nếu nó không vươn thẳng ra như bình thường thì người mẹ có thể gặp khó khăn trong việc cho con bú.
Giải pháp:
Sử dụng ống bơm trước khi đặt núm vú vào miệng bé hoặc sử dụng dụng cụ hỗ trợ như dụng cụ tạo hình dáng vú. Trước khi dùng bất cứ biện pháp nào, bạn hãy đến gặp bác sĩ để nhậ được lời khuyên từ họ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét