Cẩm nang chăm sóc bà bầu

Trang tin hữu ích dành cho cả mẹ và bé!

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

Những sai lầm khi chăm sóc mẹ và bé lần đầu

Chắc phải ít nhất một lần bạn nghe về vấn đề kiêng cữ sau khi sinh rồi đúng không? Không chỉ mẹ mà nhiều nơi người ta còn kiêng cho cả con nữa đấy. Thế nhưng, không phải việc kiêng cữ nào cũng phù hợp



Đối với trẻ em:
Chạm vào thóp sẽ tổn hại não của bé
Mỗi bé khi sinh ra sẽ có 2 thóp, thóp trên đỉnh và thóp phía sau. Trong vòng 24 tháng, hai thóp này sẽ từ từ khép lại. Thóp là khoảng giữa các xương đầu, chưa được che kín bởi hộp sọ. Cũng chính vì vậy mà nhiều mẹ thường rất lo lắng mỗi khi chạm vào chỗ này của con. Thậm chí, kiêng không chạm vào. Thật ra, dù không được bao bởi xương sọ nhưng vẫn còn nhiều lớp che nữa mới đến não của bé và những cái đụng chạm của mẹ sẽ không gây hại gì cho bé đâu. Chỉ khi cố tình đánh mạnh hoặc dùng vật nhọn đâm vào mới nguy hiểm cho con thôi. Mẹ không cần phải quá lo lắng nhé!
Tắm cho bé mỗi ngày
Tắm cho bé mỗi ngày có thể giúp con sạch sẽ và ngủ được ngon giấc hơn? Điều này chỉ đúng khi bé đã biết bò hay chập chững biết đi, vì khi đó bé sẽ có nhiều cơ hội “chơi bẩn” hơn. Còn đối với trẻ sơ sinh, tắm hàng ngày là việc không cần thiết, nó chỉ làm mất đi độ ẩm tự nhiên có trong da của bé, khiến da bé dễ bị khô hơn thôi. Mỗi tuần mẹ chỉ cần tắm cho bé từ 2-3 lần và thường xuyên lau rửa mặt và vùng da bị “bưng bít” trong lớp tã là được.
Đối với mẹ:



Kiêng uống nước
Nếu nghe ai nói về việc kiêng cữ hay hạn chế uống nước, dù là nước canh hay nước lọc thông thường thì mẹ cũng không nên làm theo đâu đấy! Đây là một quan niệm phản khoa học, hoàn toàn không đúng chút nào. Ngược lai, sau khi sinh, mẹ lại càng cần bổ sung thêm nước cho cơ thể để có đủ sữa cho bé bú. Mỗi ngày mẹ nên đảm bảo cung cấp cho cơ thể ít nhất 2,5 lít nước nhé!
Kiêng ăn các loại hải sản
Nếu theo quan niệm truyền thống, sau khi sinh mẹ sẽ phải kiêng khá nhiều thứ, từ hải sản, thịt bò đến bắp cải, trái cây…Thật ra, mẹ không phải kiêng cữ nhiều thứ như vậy đâu, những thứ như thịt bò hay hải sản rất giàu chất dinh dưỡng, giúp mẹ có tiết ra nhiều sữa hơn cho con. Còn bắp cải và các loại trái cây thì bổ sung thêm vitamin và chất xơ, giúp hệ tiêu hóa của mẹ hoạt động tốt hơn.
Kiêng tắm rửa
Phụ nữ sau khi sinh phải kiêng tắm ít nhất 1 tháng, có nơi thậm chí còn phải kiêng đủ 3 tháng 10 ngày. Liệu mẹ có thật sự kiêng tắm được 1 tháng? Theo các bác sĩ sản khoa, việc kiêng cữ này hoàn toàn không cần thiết. Thậm chí đã có nhiều trường hợp các mẹ bị viêm da do kiêng tắm trong một thời gian dài.
Nếu các mẹ tắm nhanh và đóng kín cửa không cho gió lùa vào thì việc tắm rửa cũng sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe đâu. Ngược lại còn mang lại cho mẹ cảm giác thoải mái và sạch sẽ nữa. Còn nếu mẹ ngại gội đầu thì cũng không sao, các loại dầu gội khô sẽ là “bạn đồng hành” dành cho mẹ. Rất dễ tìm mua ở các hiệu thuốc đấy nhé!

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2016

Cách duy trì thân nhiệt cho trẻ trong mùa đông sắp tới

Việc duy trì thân nhiệt ổn định sẽ giúp trẻ sơ sinh khỏe mạnh. Ngược lại, thân nhiệt thay đổi đột ngột hoặc thường xuyên sẽ khiến bé bị sốt hoặc nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.


1. Điều hòa thân nhiệt và sức khỏe của trẻ

Thân nhiệt bình thường của trẻ sơ sinh là từ 36 - 37 độ. Đây là nhiệt độ để duy trì sự trao đổi chất bình thường. Ở trẻ sơ sinh, chức năng điều hòa thân nhiệt còn rất hạn chế, nên khi nhiệt độ môi trường thay đổi, vượt quá khả năng cơ thể tự điều chỉnh, trẻ dễ bị sốt hoặc hạ thân nhiệt đột ngột.

Khả năng tự làm mát bằng mồ hôi ở trẻ sơ sinh cũng còn rất kém và không ổn định. Do vậy, khi thời tiết quá nóng, nhiệt độ cơ thể trẻ có thể tăng lên đến 40 độ C, điều này có thể gây co giật. Nếu thân nhiệt trẻ trên 38 độ C, da sẽ nóng, đỏ gây vã mồ hôi, tăng nhịp tim, nhịp thở, gây suy hô hấp và mất nước. Vào mùa đông, nhiệt độ thấp cũng khiến da trẻ có thể bị sưng, mẩn đỏ. Ngoài ra, thân nhiệt trẻ dễ bị thay đổi có thể do những nguyên nhân sau:



Ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là những trẻ có sức khỏe yếu, trẻ sinh non, thiếu tháng, lớp mỡ dưới da rất mỏng nên khả năng giữ nhiệt rất kém. Vào mùa đông, trẻ rất dễ bị cảm lạnh.

Khi mới sinh, khả năng điều chỉnh thân nhiệt của trẻ với khi thời tiết lạnh rất hạn chế nên trẻ rất dễ bị hạ thân nhiệt, nhiễm lạnh và sút cân. Đó là lý do vì sao cần phải tuyệt đối giữ ấm cho bé vào mùa lạnh.
Trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ có sức đề kháng yếu hơn hẳn, cũng như bị thiếu dinh dưỡng, do sữa mẹ là nguồn cung cấp dưỡng chất và đề kháng tốt nhất cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Đây là một trong những nguyên nhân khiến những trẻ này dễ bị hạ thân nhiệt trầm trọng dẫn đến việc mắc bệnh nhiễm khuẩn và suy dinh dưỡng.

Tất cả những điều trên đều ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Bởi vậy, việc duy trì một nhiệt độ phù hợp cho cơ thể trẻ là vô cùng quan trọng.

2. Cách duy trì thân nhiệt ổn định cho trẻ

Theo các chuyên gia, vào mùa đông, cần chú ý để thân nhiệt của trẻ không bị xuống thấp. Nhiệt độ ở trong nhà nên được duy trì ở 25 - 28 độ C. Để duy trì nhiệt độ này trong phòng, bạn có thể bật điều hòa hoặc hệ thống thông gió. Bạn cũng nên trang bị các thiết bị sưởi ấm để giúp bàn tay và bàn chân trẻ không bị lạnh. Lưu ý tránh quấn tã hoặc mặc quần áo cho trẻ quá chật. Độ ẩm trong nhà nên duy trì từ 60 đến 65%.



Nếu nhiệt độ bên ngoài dưới 10 độ C, bạn hãy cho trẻ sơ sinh mặc áo bông độn, nhiệt độ từ 10 đến 15 độ C thì cho bé mặc áo khoác và phủ một chiếc chăn còn nhiệt độ 16 đến 21 độ C thì có thể cho bé mặc quần áo liền chất liệu ấm.

Còn vào mùa hè, bạn cần chú ý để thân nhiệt trẻ không bị tăng quá cao. Nhiệt độ từ 29 đến 30 độ C, bạn cần cho con mặc áo thun thấm mồ hôi, song áo cần phải đủ dài để che bụng của trẻ. Nhiệt độ từ 30 đến 35 độ C, cần phải cho trẻ mặc thoáng mát, tránh ra ngoài nắng, tránh để trẻ chơi với cường độ lớn, sử dụng quá nhiều sức lực và đổ quá nhiều mồ hôi.

Khi trẻ quấy khóc, hãy để ý xem quần áo hay nhiệt độ có phải là nguyên nhân khiến con khó chịu hay không. Trong trường hợp trẻ bị sốt, tức là thân nhiệt lên quá cao từ 38 độ C, hãy khẩn trương tìm nguyên nhân gây sốt ở trẻ như nhiễm khuẩn, mất nước do nhiệt độ trong phòng của trẻ quá cao hoặc do trẻ đi nắng quá lâu... Việc đầu tiên cần làm để giúp trẻ hạ thân nhiệt chính là điều chỉnh nhiệt độ phòng, cởi bớt quần áo, lau người cho trẻ, tránh gió lùa và cho con bú.

Nguồn:http://nhatkybe.vn

Phòng chống chân vòng kiềng ở trẻ nhỏ

Đôi chân vòng kiềng cong vẹo, ảnh hướng lớn đến thẩm mỹ và vận động của trẻ. Dưới đây là nguyên nhân và cách phòng ngừa chân vòng kiềng ở trẻ.



1. Nhận biết chân vòng kiềng

Chân vòng kiềng hay chân chữ O là tình trạng gối vẹo vào trong làm trẻ khi đứng hai gối không sát được vào nhau. Chân vòng kiềng thường bị vẹo cả hai gối và cả xương đùi,  xương chày. Khi đứng thẳng, khớp gối hai bên nghiêng vào trong làm cho hai đầu gối không thẳng khít, có khe ở giữa khoảng 1,5cm hoặc là khớp gối bình thường, nhưng cẳng chân cong vào trong hay có hình cung, có khe giữa trên 1,5 cm.

2. Nguyên nhân trẻ đi chân vòng kiềng

Quan niệm dân gian cho rằng “bế cắp nách” quá sớm là nguyên nhân của chứng chân đi vòng kiềng ở trẻ. Theo nhiều nghiên cứu trong thực tế, trẻ ở các vùng có thói quen sinh hoạt như được cha mẹ địu trên lưng, trẻ nhỏ thường xuyên cưỡi lừa, ngựa có tỷ lệ mắc tật chân vòng kiềng cao hơn.



Trẻ bị còi xương do thiếu vitamin D là nguyên nhân chính dẫn đến chân vòng kiềng. Còi xương là một rối loạn phát triển xương thường do thiếu vitamin D, canxi. Trẻ bị còi xương thường có những biểu hiện như cẳng chân cong, đau cơ, gan lách to…

Trẻ tập đứng, tập đi quá sớm, do xương cẳng chân của bé còn yếu, chưa đỡ được sức nặng của cơ thể, nhất là đối với những trẻ quá bụ bẫm hoặc béo phì. Bởi những trẻ này có cân nặng lớn, gây áp lực lên xương chân trong khi hệ cơ xương chưa thực sự vững chắc. Tác động này kéo dài dẫn đến chân cong vẹo. Ngoài ra, một số trẻ có chân vòng kiềng còn do nguyên nhân di truyền từ cha mẹ

3. Phòng ngừa chân vòng kiềng

Cho con bú sữa mẹ

Trong sữa mẹ có nhiều dưỡng chất quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ, nhất là hàm lượng vitamin D và canxi dồi dào và dễ hấp thụ nhất, rất cần thiết cho sự phát triển xương của trẻ, vì vậy cần cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu.

Vitamin D và canxi trong sữa mẹ giúp giúp bé hạn chế bệnh còi xương (còi xương là nguyên nhân gây vòng kiềng ở trẻ). Đến tuổi ăn dặm, cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất, cung cấp đủ lượng canxi và vitamin D cần thiết từ các sản phẩm từ sữa, lòng đỏ trứng… cho bé.



Nắn chân cho trẻ

Nắn chân cho bé một cách nhẹ nhàng, đều cả hai chân giúp lưu thông máu và thúc đẩy sự phát triển của cơ xương. Khi nắn chân, các bé luôn duỗi thẳng chân sẽ tạo thành thói quen cho bé, giúp hạn chế phần nào tật vòng kiềng. Cha mẹ nên nắn hướng vào trong, từ đùi xuống mắt cá chân. Nên nắn chân hàng ngày, đều đặn, trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. 

Không cho trẻ tập đi sớm
Không nên cho bé ngồi xe tập đi và tập đi quá sớm. Đi sớm có thể ảnh hưởng đến hình dáng và chức năng của chân do hệ xương của trẻ chưa phát triển hoàn thiện. Trọng lượng của cơ thể sẽ dồn ép xuống chân khiến chân trẻ bị biến dạng (vòng kiềng). Ở mỗi trẻ khác nhau sẽ có thời gian tập đứng, đi khác nhau, không nên nóng vội dạy trẻ biết đi. Thời gian thích hợp để tập đi là ngoài 9 tháng.

Bổ sung đầy đủ vitamin D và canxi

Canxi là khoáng chất chủ yếu quyết định sự hình thành, phát triển và hoàn thiện của hệ xương, răng. Thiếu canxi trẻ sẽ dễ bị còi xương, biến dạng xương, loãng xương. Trong khi đó, vitamin D là chất giúp cho cơ thể hấp thu canxi. Thiếu vitamin D trong thời gian dài sẽ làm giảm việc hấp thu canxi, phốt pho và khiến sự phát triển của xương gặp trở ngại. Do đó, bạn cần lưu ý bổ sung hai chất quan trọng này vào bữa ăn hàng ngày của trẻ.

Tắm nắng cho trẻ

Không nên nuôi trẻ theo quan niệm truyền thống là phải tuyệt đối giữ trẻ sơ sinh trong nhà, đặc biệt là trong phòng kín. Hãy cho bé tắm nắng thường xuyên. Tắm nắng giúp cơ thể trẻ hấp thu một lượng lớn vitamin D từ ánh nắng mặt trời. Khi trẻ có đầy đủ vitamin D sẽ hạn chế các hiện tượng về xương, đặc biệt là bệnh còi xương (nguyên nhân hàng đầu gây chân vòng kiềng ở trẻ).

Nguồn: http://nhatkybe.vn

8 Vấn đề các mẹ cần biết và khắc phục khi cho con bú

Cho con bú thực sự không phải là việc dễ dàng đối với các bà mẹ, đặc biệt là với những người lần đầu tiên trở thành mẹ. Hãy làm cho việc cho con bú trở nên dễ dàng và trở thành những khoảnh khắc thú vị bằng cách trang bị cho mình những kiến thức cần thiết.
Với 30 năm kinh nghiệm giảng dạy và đào tạo y, bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Lucile Packard, Stanford, Palo Alto, California, cô Jan Morton đã chia sẻ những giải pháp cho các vấn đề thường gặp khi cho con bú sữa mẹ.



1. Đau núm vú khi cho bé bú không đúng cách

Khi bắt đầu cho con bú, người mẹ sẽ thường cảm thấy đau đặc biệt là với người lần đầu tiên cho con bú. Quá trình cho con bú cần sự kiên nhẫn của người mẹ. Cơn đau thường kéo dài khoảng một phút, tuy nhiên nếu kéo dài lâu thì nên ngừng cho bé ăn và kiểm tra lại tư thế bạn cho trẻ bú đã đúng chưa?

Giải pháp:
Người mẹ nên đảm bảo rằng núm vú được đặt đúng vị trí để sâu và thẳng vào vòm miệng bé, môi của bé bao kín núm vú. Khi chỉnh lại vị trí nên nhẹ nhàng đặt ngón trỏ vào miệng bé để đưa vú ra khỏi miệng bé. Hơi xoa vào cằm bé đợi cho đến khi bé mở miệng ra, tận dụng cơ hội này để chỉnh lại ví trí đặt núm vú. Khi bú đúng cách, mũi và cằm của bé sẽ chạm vào ngực mẹ, môi dưới hơi trề ra nên không thể thấy núm vú cũng như phần dưới quầng vú. Mặc dù người mẹ cho bé bú đúng cách nhưng có thể vẫn đau vì hiện tượng khô vú. Bạn nên mặc quần áo thoải mái, không dùng xà phòng khi vệ sinh vú mà chỉ nên dùng gạc lau sạch.

2. Nứt đầu vú



Nứt đầu vú có thể do một trong những nguyên nhân sau đây: viêm núm vú, khô hay cho bé bú không đúng cách. Hiện tượng sưng, nứt hay chảy máu ở đầu vú có thể diễn ra trong suốt tuần đầu tiên. Mặc dù không có tác động tiêu cực đến bé song sẽ làm người mẹ cực kì đau đớn.

Giải pháp:
Kiểm tra lại ví trí đặt vú của mình vào miệng bé. Nên chia nhỏ số lần cho bé bú. Khi em bé càng có nhu cầu bú thì việc bú sẽ “mềm mại” hơn. Không nên sử dụng các loại thuốc không được chỉ định để làm sạch đầu vú. Bạn nên bôi một chút sữa mẹ lên núm vú (sữa thực sự có thể giúp vết nứt liền lại) hoặc dùng loại sữa làm ẩm được bác sĩ khuyên dùng.

3. Tắc nghẽn sữa

Tắc nghẽn ống dẫn sữa là khi người mẹ cảm thấy một số chỗ trên vú bị cơ cứng, đau hoặc có thể xuất hiện một số mẩn đỏ. Nếu người mẹ bắt đầu thấy sốt và đau nhức, đó chính là dấu hiệu của nhiễm trùng, bạn nên đến gặp bác sĩ. Quan trọng nhất là không nên kéo dài khoảng cách giữa các lần cho con bú-nên cho bé bú thường xuyên. Một chiếc áo ngực quá chật, hay tình trạng tâm lý căng thẳng cũng là một trong những nguyên nhân khiến các ống dẫn sữa bị tắc, ảnh hưởng đến dòng sữa của bạn.



Giải pháp:

Tốt nhất bạn nên có thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Cho bé bú thường xuyên hơn hoặc dùng dụng cụ hút sữa để giảm lượng sữa thừa bên trong vú. Nên dùng khăn ấm để mát-xa ngực và bầu vú để kích thích sữa bên trong đi ra ngoài.

4. Căng tức ngực do ứ sữa

Việc tích tụ nhiều sữa trong tuyến vú khiến mẹ cảm thấy căng tức ngực, vú của người mẹ sẽ sưng cứng khiến cho bé khó bú.

Giải pháp:
Cách tốt nhất là nên dùng tay xoa nhẹ làm bầu vú được thư giãn lưu thông tốt, sữa chảy ra “êm ái” không làm bé khó chịu.

5. Viêm vú

Viêm vú lá dấu hiệu nhiễm trùng do vi khuẩn ở bầu vú của người mẹ thông qua các triệu chứng như sốt và đau ngực. Hiện tượng này phổ biến trong vòng vài tuần đầu tiên sau khi sinh (mặc dù nó cũng có thể xảy ra trong quá trình cai sữa). Nguyên nhân là do các vết nứt ở đầu vú, hay ống dẫn sữa bị tắc, hoặc ứ sữa.

Giải pháp:
Biện pháp duy nhất để điều trị các nhiễm trùng là sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ, chườm nóng và chú ý vệ sinh vú thường xuyên.

6. Tưa đầu vú

Tưa đầu vú là hiện tượng nhiễm nấm, nguyên nhân thường do từ miệng của bé và lây sang vú của mẹ khi bú. Nếu bé bị tưa miệng, bạn sẽ bị lây và bị tưa đầu vú. Người mẹ sẽ cảm thấy đau, ngứa thấy xuất hiện những đốm trắng ở miệng bé và cả đầu vú của mình.

Giải pháp:
Người mẹ nên đến gặp bác sĩ để nhận thuốc điều trị đồng thời cả miệng của bé và cả bầu vú để tránh nhiễm khuẩn nấm.

7. Sữa quá ít

Bé bú càng nhiều thì cơ thể bạn sẽ sản sinh ra càng nhiều sữa. Do đó, nếu bạn có quá ít sữa, chứng tỏ bé chưa bú đúng cách. Nếu sữa ít cũng sẽ ảnh hưởng đến cân nặng của bé

Giải pháp:
Nên chăm sóc và mát xa thường xuyên khi để tăng lượng sữa cung cấp đầy đủ cho bé.

8. Núm vú phẳng hoặc lõm

Người mẹ có thể kiểm tra xem núm vú của mình có phải thuộc loại núm vú phẳng hoặc lõm bằng cách dùng ngón trỏ và ngón cái nhẹ nhàng nắm lấy đầu vú, nếu nó không vươn thẳng ra như bình thường thì người mẹ có thể gặp khó khăn trong việc cho con bú.
Giải pháp:
Sử dụng ống bơm trước khi đặt núm vú vào miệng bé hoặc sử dụng dụng cụ hỗ trợ như dụng cụ tạo hình dáng vú. Trước khi dùng bất cứ biện pháp nào, bạn hãy đến gặp bác sĩ để nhậ được lời khuyên từ họ.

Lần đầu làm mẹ: 30 mẹo chăm sóc con lần đầu tiên

Khi gia đình chào đón thêm một thiên thần nhỏ, có rất nhiều thứ mới mẻ khiến bạn lúng túng và điên đầu trong thời điểm lần đầu làm mẹ. 30 lời khuyên hết sức hữu ích và thiết thực từ những chuyên gia và các bà mẹ khác dưới đây sẽ giúp bạn trong thời gian đầu làm mẹ, định hình một guồng máy công việc mới sau khi thiên thần nhỏ của bạn chào đời.



Gợi ý cách chăm bé

Trẻ sơ sinh chỉ có ăn, ăn và ăn. Ban đầu, gần như chắc chắn là mọi thứ sẽ khó khăn hơn bạn nghĩ. Từ đau núm vú cho tới những chốt cài áo ngực cứng đầu, việc chăm bé dường như nhấn chìm lấy bạn.

1. Phụ nữ tìm đến sự giúp đỡ có tỉ lệ thành công cao hơn. Hãy nghĩ đến những cách để bảo đảm sự thành công trước cả khi bạn sinh bé. Đơn giản nhất, nói chuyện với những người bạn đã có kinh nghiệm nuôi con, hỏi các bác sĩ nhi khoa hoặc tham gia vào các nhóm hỗ trợ bà mẹ nuôi con, là những điều bạn nên làm.

2. Tận dụng “tài nguyên” của bệnh viện. Bạn có thể học mọi thứ về nuôi con bằng sữa mẹ trước khi rời khỏi bệnh viện. Hãy hỏi bệnh viện phụ sản nơi bạn sinh bé xem liệu có các lớp hướng dẫn nuôi con hoặc bác sĩ tư vấn cách chăm sóc con hay không. Bạn hãy gọi y tá mỗi khi bạn sẵn sàng cho con bú và tranh thủ hỏi y tá những lời khuyên trong việc chăm sóc bé.



3. Chuẩn bị sẵn sàng. Tại nhà, khi nghe bé khóc đòi mẹ, bạn sẽ dễ dàng muốn vứt hết mọi thứ để cho bé bú. Tuy nhiên, bạn nên chăm sóc cho bản thân của bạn trước vì một người mẹ khỏe mạnh mới có thể chăm con tốt. Hãy rót cho mình một ly nước và một quyển sách hay tạp chí để đọc. Và còn một điều tế nhị nữa, hãy đi tiểu trước khi bắt đầu cho bé bú vì bạn nên biết rằng việc cho bé bú sẽ tốn kha khá thời gian đấy.
4. Hãy thử một miếng gạc ấm nếu ngực bạn căng sữa hoặc bị tắc sữa. Bạn cũng có thể thay bằng một miếng đệm nóng hoặc một chiếc khăn ẩm và ấm, nhưng bông trang điểm (thường được bán với các sản phẩm làm đẹp từ thiên nhiên) thì tốt hơn. Bạn hãy làm nóng miếng gạc hoặc bông trang điểm trong lò vi sóng và áp nó lên ngực bạn.




5. Nhiệt giúp tiết sữa, nhưng nếu ngực bạn bị đau sau khi cho con bú, hãy thử túi chườm lạnh. Hiệu quả rất nhiều.
6. Nếu bạn muốn tập cho bé bú bình, chỉ nên cho bé tập bú bình sau một thời gian cho bé bú bằng sữa mẹ, nhưng phải trước cột mốc 3 tháng. Theo nhiều chuyên gia thì trong khoảng từ tuần thứ 6 đến 8 là ổn. Tuy nhiên, nếu chẳng đặng đừng thì bạn cũng có thể tập cho bé bú bình sớm hơn, chẳng hạn mỗi ngày bú bình một lần từ khoảng tuần thứ 3 chẳng hạn.
Giấc ngủ
Trẻ sơ sinh thường ngủ đến 16 tiếng mỗi ngày nhưng chỉ trong những khoảng thời gian ngắn. Thế nên kết quả là bạn sẽ cảm giác như luôn trong tình trạng báo động và mất sức nhiều hơn bạn tưởng. Nên nhớ, cho dù bạn khỏe mạnh đến đâu thì cũng khó mà không thay tâm đổi tính khi thiếu ngủ.
7. Tránh giám sát đến mệt nhoài. Chỉ vì duy nhất một mục tiêu: chăm cho bé. Nhưng nếu bạn không ngủ đủ giấc, bạn sẽ hoặc thấy mệt mỏi và bực bội hoặc chỉ cảm thấy mệt. Tốt hơn hết là bạn chỉ nên dừng ở ngưỡng chỉ cảm thấy mệt thôi nhé.
8. Thay ca. Một đêm mẹ chăm bé, sau đó tới lượt cha của bé. Bằng cách này hay cách khác, cha và mẹ cần chia đều thời gian chăm sóc bé cho phù hợp để bảo đảm sức khỏe cho cả hai. Ví dụ bạn có thể thức đêm chăm bé rồi mới ngủ, còn chồng bạn có thể chăm bé vào buổi sáng khi bạn ngủ, và chợp mắt nghỉ sau đó khi bạn thức giấc.
9. Ngủ khi bé ngủ thật sự là lời khuyên tốt nhất cho bạn. Bạn nên bắt đầu tập ngủ sớm cùng giấc với bé.
10. Nếu bé của bạn khó ngủ thì sao? Hãy làm bất cứ gì có thể: cho bé bú hoặc đung đưa cho bé dễ ngủ, hoặc nếu cần bạn cũng có thể để bé ngủ trên ngực bạn hoặc trên xe hơi. Tốt nhất bạn đừng lo lắng gì về những thói quen xấu làm gì. Tất cả lúc này điều bạn cần làm là sự sống còn cho chính bạn.

Dỗ bé

Việc giải mã bé thật sự muốn gì trong những tuần đầu tiên thật sự rất khó khăn. Nhưng rồi bạn sẽ học được dựa vào việc thử và sai.
11. Chìa khóa để dỗ bé khóc quấy là bắt chước tử cung “dỗ dành” khi bé còn trong bụng mẹ. Bọc tã, suỵt, và đung đưa, cũng như cho bé bú và ẵm ngang người bé, có thể kích thích phản xạ làm dịu.
12. Mở nhạc. Hãy quên đi những mớ lý thuyết không rõ ràng rằng âm nhạc sẽ giúp trẻ thông minh hơn. Thay vào đó, bạn sẽ tập trung vào một thực tế là âm nhạc có khả năng dỗ bé.
13. Làm ấm mọi thứ. Thay tã có thể gây kích thích cho làn da nhạy cảm của bé. Để tránh gây kích động bé trong trường hợp này, bạn có thể dùng khăn giấy và bình bơm nước ấm để lau cho bé. Ngoài ra, bạn cũng có thể mua máy làm nóng khăn bằng điện để sử dụng hàng ngày nếu bé của bạn nhạy cảm.
14. Bạn sẽ cần đến những “chiêu” khác nữa. Một bà mẹ đã bật mí độc chiêu “quỳ gối khom người ẵm bé vỗ vỗ vào lưng” đã giúp bé gái của cô nín khóc.
15. Ngâm nước để làm dịu. Nếu mọi cách đều thất bại và bé của bạn đã rụng dây rốn, hãy thử tắm nước ấm cùng với bé. Như thế, bạn cũng sẽ được thư giãn, và một bà mẹ khi đang thư thái có thể dỗ bé dễ dàng hơn.


Nguồn: marrybaby.vn

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2016

Sự phát triển của thai nhi ở tuần thứ 40

Sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ là một điều kỳ diệu của tạo hóa. Liệu mẹ có biết khi nào thai nhi sẽ hình thành mắt, mũi, miệng? Tóc của bé mọc nhiều hay ít, dài hay ngắn? Lông mi và lông mày bắt đầu xuất hiện khi nào?



Siêu âm thai 3, 4 chiều có thể giúp mẹ nhận thấy rõ ràng khuôn mặt bé trong những tháng cuối thai kỳ, nhưng không thể giúp mẹ biết sự phát triển của thai nhi trong từng tuần thai. Mỗi tuần trôi qua, bé cưng sẽ có điều gì mới? Khuôn mặt bé thay đổi thế nào? Tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây mẹ nhé!
1/ Sự phát triển của thai nhi trong 3 tháng đầu: Khuôn mặt định hình
Ở những tuần đầu tiên của thai kỳ, các bộ phận trên mặt đã hình thành một cách sơ khởi và được tạo thành từ các tế bào mào thần kinh. Sự phát triển diện mạo diễn ra từ từ bao gồm các thay đổi trong tỷ lệ và vị trí tương đối của các bộ phận trên khuôn mặt.

Bắt đầu tuần thai thứ 6

Sự hình thành và phát triển khuôn mặt thai nhi là một quá trình vô cùng phức tạp, đòi hỏi sự tích hợp của nhiều mô chuyên biệt. Các túi mắt cũng đã bắt đầu hình thành. Lúc này, mũi của bé chỉ là 2 chấm nhỏ trên mặt. Các túi mũi được tách ra từ khoang miệng bằng màng oronasal. Màng này sẽ biến mất vào tuần thứ 7.

Tuần thứ 7



Vào thời điểm này, các đầu mũi đã được nâng lên giữa nhô mũi. Trục trung tâm của mũi và nhân trung của môi hình thành hoàn tất.

Tuần thai thứ 8

Từ tuần thứ 8 khung xương và khuôn mặt được hình thành rõ nét hơn. Diện mạo bé lúc này có những thay đổi đặc biệt như hàm ếch, răng, chóp mũi và môi trên đang được hình thành. Tai cũng phát triển cả bên trong lẫn bên ngoài. Thời gian này, lớp da trên mí mắt cũng được hình thành để sau này phát triển thành mi mắt.

Tuần thứ 9

Đến tuần này, các bộ phận trên khuôn mặt tiếp tục phát triển và trở nên rõ ràng hơn. Đôi mắt đã lớn hơn, sắc tố màu mắt cũng xuất hiện trong giai đoạn này. Mi mắt, hàm và các cơ mặt cũng đã được hình thành vào tuần thứ 9 của thai kỳ. Trán có kích thước lớn hơn so với chiếc đầu bé xíu của thai nhi.

Tuần thai thứ 11



Khuôn mặt thai nhi đang dần hoàn thiện, hai lỗ tai sẽ di chuyển lên phía trước và định vị ở hai bên đầu của bé. Trong khi các tuần đầu sự phát triển của thai nhi tập trung vào các cơ quan quan trọng thì đến tuần này sẽ phát triển chậm lại. Lúc này, phần đầu của thai nhi có chiều dài chiếm khoáng 1/3 chiều dài cơ thể. Xương trên khuôn mặt đã hình thành tương đối và sẽ hoàn chỉnh hơn vào các tuần tiếp theo. Tuy đã có mí mắt nhưng mắt bé vẫn còn nhắm lại.

2/ Diện mạo thay đổi trong 3 tháng giữa

Tuần thứ 15

Khuôn mặt của bé giờ đã rõ nét và hoàn chỉnh hơn nhiều. Ở tuần này, mặc dù đôi mắt của thai nhi vẫn chưa mở ra nhưng bé đã có thể cảm nhận được ánh sáng từ bên ngoài. Toàn bộ cơ thể bé được bao phủ bởi một lớp tóc mịn hay còn gọi là lông tơ. Đến lúc này, lông mày và tóc đã bắt đầu mọc nhưng màu sắc và kết cấu khác với bé sau khi sinh.
Tai của bé giờ chỉ là những mẫu nhỏ, ở vị trí khá thấp trên đầu nhưng không lâu nữa sẽ di chuyển đến vị trí cố định cuối cùng. Bé có thể nghe được âm thanh từ hệ tiêu hóa, tiếng tim đập và giọng nói của mẹ.

Tuần thứ 20

Đến tuần thứ 20, bên trong khoang miệng đã bắt đầu hình thành hàm răng sữa, bộ hàm thứ hai là răng vĩnh viễn cũng bắt đầu phát triển mạnh.

Tuần thai 24

Thật tuyệt vời, đến lúc này tóc của bé đã được phân định màu sắc rõ ràng. Bé có thể có màu tóc đen, nâu hoặc vàng.

Tuần thai 26

Khi thai nhi 26 tuần tuổi, bé đã biết đóng và mở mắt được rồi mẹ nhé! Những sợi lông mi nhỏ xíu và tóc trên đầu vẫn đang tiếp tục dài ra.

3/ Khuôn mặt sắc nét trong 3 tháng cuối

Thai nhi 28 tuần tuổi

Hành động nhắm và mở mắt được thực hiện liên tục, tuy bé không thể nhìn thấy nhiều nhưng vẫn phản ứng lại với ánh sáng. Theo các nhà nghiên cứu, thai nhi trong bụng mẹ có xu hướng tránh ánh sáng mặc dù ánh sáng chiếu qua bụng mẹ không đáng kể và không hề gây hại cho mắt bé.
Mẹ có buồn khi thai nhi trong bụng đang khóc? Bật mí thêm cho mẹ đó là trước khi trào đời bé đã tập khóc rồi đấy. Ngay sau khi sinh trẻ sơ sinh thường hay khóc vì vậy bé phải tập và hoàn thiện trước mới được. Hình ảnh bé khóc sẽ được nhìn thấy qua kết quả siêu âm, bé khóc và môi dưới run lên rất rõ rệt.

Tuần thứ 32

Giờ đây bé đã hình thành một cơ thể hoàn chỉnh, những bộ phận trên khuôn mặt, lông mi, lông mày và tóc trên đầu đều đã hình thành rõ rệt. Mắt của bé sẽ nhắm khi ngủ và mở khi thức giấc. Đồng tử đã có thể co giãn và bé đã nhìn được nhưng vẫn còn chưa rõ. Gần đến ngày chào đời, mắt bé sẽ đóng mở càng nhiều như thể đang luyện tập chớp mắt để nhìn thế giới mới bên ngoài bụng mẹ. Từ tuần này trở đi, diện mạo của bé tương đối hoàn thiện và tiếp tục phát triển cho đến khi chào đời.

Nguồn: marrybaby.vn
Cảm nhận từng giai đoạn phát triển của thai nhi chắc hẳn là một trải nghiệm vô cùng tuyệt diệu với các mẹ. Ngoài những chuyện động ngộ nghĩnh chỉ mình mẹ cảm nhận được rõ ràng nhất: lúc thai nhi nấc cụt, lúc bé cưng trở mình..., MarryBaby bật mí cho mẹ các giai đoạn phát triển đặc biệt của bé trong từng tam cá nguyệt. Đừng bỏ lỡ nhé!



1/ Sự phát triển của thai nhi trong tam cá nguyệt thứ 1

– 4 tuần: Túi phôi mang đầy đủ các ADN của bố mẹ đã chính thức thành phôi thai. Trong 6 tuần tiếp theo, các cơ quan nội tạng của bé sẽ bắt đầu hình thành và một số cơ quan sẽ có thể thực hiện chức được năng của mình.
– 5 tuần: Trái tim bé nhỏ của bé sẽ bắt đầu đập với tốc độ nhanh gấp 2 lần nhịp tim của mẹ.
– 8 tuần: Bé giờ đây đã có những ngón tay xinh cùng mũi và môi trên. Bé bắt đầu có thể di chuyển nhẹ nhưng chưa đủ để mẹ có thể cảm nhận.
– 9 tuần: Mặc dù mí mắt vẫn nhắm nhưng mắt bé vẫn đang phát triển. Lúc này “cái đuôi” của bé đã biến mất và trông ra dáng con người hơn.
– 11 tuần: Các cơ quan quan trọng như thận, ruột, não và gan bắt đầu hoạt động. Bé có hình hài gần như hoàn chỉnh, xương cứng cáp hơn. Thai nhi có thể nấc cụt mặc dù vẫn còn quá sớm để mẹ có thể cảm thấy nó.

2/ Các giai đoạn phát triển của thai nhi trong tam cá nguyệt thứ 2

– 14 tuần: Thận của bé có thể tạo ra nước tiểu và bé sẽ thải vào trong nước ối. Bé biết thể hiện nét mặt của mình cũng như biết mút ngón tay.
– 15 tuần: Mí mắt vẫn chưa mở nhưng thai nhi đã có thể cảm nhận ánh sáng bên ngoài.
– 19 tuần: Bé có thể nghe được nhịp tim của mẹ và những âm thanh từ bên ngoài, như tiếng nói của bố chẳng hạn. Thậm chí, bé có thể bị giật mình khi nghe phải tiếng động lớn.
– 23 tuần: Cảm nhận của bé về sự chuyển động đã phát triển, bé cưng có thể “phiêu” cùng khi mẹ đang nhảy.
– 27 tuần: Bé đang tập thở bằng cách hít vào rồi thở ra trong nước ối. Trong trường hợp phải chào đời vào thời điểm này, phổi của bé có thể đảm đương được chức năng của mình. Tuy nhiên, vẫn cần hỗ trợ rất nhiều từ các y bác sĩ.



3/ Các giai đoạn phát triển của thai nhi trong tam cá nguyệt thứ 3

– 28 tuần: Bé có những giấc mơ riêng cho mình. Mắt bé đã có lông mi và thị lực đang dần hoàn thiện.
– 37 tuần: bây giờ bé được coi là đủ tháng. Nếu bé được sinh ra vào lúc này thì phổi của bé đã có thể làm việc tốt nhưng tốt nhất, bé nên ở trong cái kén của mình thêm một chút nữa.
– 40 tuần: bé đã đến lúc nên chào đời và thực sự sẵn sàng cho cuộc sống ngoài đời thực. Cân năng trung bình của bé vào khoảng 3,4 ký và chiều dài cơ thể sẽ là 51cm. Nếu quá 1 hay 2 tuần so với ngày dự sinh mà các mẹ vẫn chưa có dầu hiệu sinh, bác sỹ sẽ chỉ định các biện pháp kích thích chuyển dạ hay dục sinh phù hợp.

Nguồn: marrybaby.vn

Qúa trình phát triển của trẻ nhỏ qua 9 giai đoạn

Những năm tháng đầu đời của trẻ luôn mang đến nhiều bất ngờ và vui sướng cho những người làm cha mẹ.
Do đó, việc hiểu biết về các cột mốc phát triển quan trọng của trẻ sẽ giúp cho các ông bố bà mẹ giảm bớt lo âu và thêm tự tin trong việc nuôi dưỡng và chăm sóc con. Và nếu bạn cũng đồng ý với ý kiến này thì đừng do dự, hãy đọc ngay những thông tin bên dưới về 9 cột mốc quan trọng cần quan tâm trong quá trình phát triển của trẻ!



1. Cười (khi bé 8 tuần tuổi)

Nếu như có ai bảo với bạn rằng con bạn đang cười khi bé mới được 3, 4 tuần tuổi thì thông tin này không chính xác. Vì hệ thống các dây thần kinh não bộ và thị giác của bé cần một thời gian dài hơn để hoàn thiện, để bé có thể nhận biết và cười đáp lại khi nhận được những cử chỉ yêu thương từ cha mẹ. Thông thường, một bé sơ sinh sẽ biết cười khi bé được 8 tuần tuổi.
Cười là một kỹ năng xã hội đầu tiên và cũng là dấu hiệu cho thấy sự phát triển về cảm xúc của bé. Bé có thể phân biệt các trạng thái tình cảm khác nhau bằng cách thể hiện cảm xúc của mình như bé cười, vui sướng khi nhìn thấy bố hoặc mẹ mình, hoặc bé buồn khi không có bố hoặc mẹ ở bên cạnh.

2. Lăn qua (khi bé 2 hoặc 3 tháng)



Trong giai đoạn từ 2-3 tháng, bạn nên dành nhiều thời gian để quan sát bé. Vì trong thời gian này, bé bắt đầu thực hiện những động tác như đẩy người lên, lúc lắc người tới lui, hoặc đá chân…và khi đủ cứng cáp, bé sẽ lăn qua được một cách dễ dàng (bé có thể giật mình hoặc khóc vào những lần đầu). Tuy vậy, thông thường bé có thể lật người hoàn toàn khi được khoảng 5 tháng tuổi. Lúc này, bé đã thực sự cứng cáp và có thể phối hợp tốt các động tác trên để lật. Điều bạn cần làm là hãy để bé tự thực hành việc này và đảm bảo cho bé luôn được ở nơi an toàn khi bé cố gắng làm điều này.

3. Cầm, nắm (khi bé 3 hoặc 4 tháng)

Sau một vài tháng đầu tiên, bé bắt đầu biết phán đoán vị trí của các đồ vật trong không gian, và có thể cầm, nắm chúng khá tốt. Bằng cách cho bé tập thả và chụp các đồ vật, mẹ sẽ giúp bé học được cách điều khiển tay một cách khéo léo cũng như cách chơi đồ chơi. Ở giai đoạn này, bé có thể tự chơi trống lắc và biết cách làm cho trống phát ra âm thanh. Khi đã có thể cầm, nắm mọi thứ, bé sẽ cảm thấy thích thú và tham gia chơi nhiều hơn dù là có một mình bé đi nữa.

4. Ôm (khi bé 5 tháng tuổi)



Bằng cách quan sát và bắt chước lại động tác của người lớn khi ôm nhau, bé có thể học được cách ôm bố mẹ, những người bé thích và cả những vật yêu thích của bé (gấu bông, chó, mèo) một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ nhỏ đều hưởng ứng với những cái ôm này. Một số bé là do phản ứng tự nhiên, và một số thì do quá mải mê chơi đùa và khám phá môi trường xung quanh nên thường tỏ ra khó chịu khi được ôm ấp. Do đó, nếu bé hơi “cáu kỉnh” khi được ôm thì bạn đừng cố gắng ép bé theo ý mình. Thay vào đó, bạn có thể đọc sách cho bé nghe, ôm bé trước khi bé ngủ. Đây là lúc mà bé dễ tiếp nhận tình cảm từ bố mẹ hơn.

5. Chơi ú oà (khi bé 6 tháng tuổi)

Đây là trò chơi đơn giản nhưng lại gây hứng thú và có thể chơi đi chơi lại nhiều lần với bé. Khi bé đã hiểu cách chơi và thích thú, thì dù không thấy được mặt của bạn, bé vẫn chú ý dõi theo chuyển động của bạn và háo hức khi nhìn thấy khuôn mặt của bạn sau tiếng ú oà.
Một vài tháng sau đó, bé có thể chơi bằng cách giấu mặt của mình với bạn. Một vài mẹo nhỏ để trò chơi thêm hứng thú với bé:
a.Bạn ngồi gần lại để bé có thể nhìn vào mắt bạn. Điều này giúp bé tập trung vào những hành động của bạn.
b.Hãy hỏi bé “Mẹ đâu rồi?” khi chơi. Giọng nói của bạn sẽ tạo sự yên tâm cho bé rằng bạn vẫn đang ở đó.
c.Thay đổi thời gian bạn giấu mặt với bé, lúc nhanh, lúc lâu và lên giọng, xuống giọng khi nói với bé để trò chơi thêm hấp dẫn (và bạn cũng cảm thấy bớt đơn điệu).

6. Ngồi lên (khi bé khoảng 8 tháng)

Khi bé có thể giữ thăng bằng, tay cứng cáp hơn và có thể kiểm soát được đầu, cổ, và thân dưới, bé sẽ cố gắng ngồi dậy. Lúc này, tầm nhìn của bé thay đổi, cho phép bé quan sát được ở phạm vi rộng hơn. Khi nhận thấy những điều mới mẻ này, bé sẽ cố gắng rướn người cao hơn để nhìn được nhiều hơn.
Trong những lần đầu tiên, bé sẽ không tự ngồi lâu được nên bạn có thể giúp dang hai tay bé ra cho bé giữ thăng bằng. Để khuyến khích bé ngồi, bạn hãy đu đưa nhẹ người bé và đặt những món đồ lạ mắt, yêu thích của bé ở trước mặt. Sau đó, bạn di chuyển các món đồ chơi đó chậm chậm từ bên này qua bên kia để tập cho bé giữ thăng bằng và quen với việc ngồi hơn.

7. Bò, trườn (khi bé 6 – 10 tháng)

Ở giai đoạn này, các bé sẽ sử dụng tay và đầu gối để thực hiện trườn hoặc bò. Nhưng vẫn có một số ít bé sẽ không bò trườn như thế mà sẽ dùng chân, bụng trượt tuột trên sàn hoặc thậm chí là cuộn người lại. Lúc này, bạn hãy dọn dẹp phòng ốc rộng rãi, loại bỏ những vật cản để bé có thể tự do vận động. Sau đó, bạn bỏ xuống sàn những món đồ mà bé ưa thích nhưng ở ngoài tầm với của bé để khuyến khích bé di chuyển. Bên cạnh đó, bạn lưu ý lót một tấm thảm mềm, êm dưới sàn để an toàn cho bé và cuối cùng là cùng bé thực hiện động tác này (có thể cả bố và mẹ cùng tham gia).

8. Đứng (khi bé 8 tháng)

Đến khoảng 8 tháng tuổi, bé đã có thể thực hiện nhiều động tác như lăn qua, ngồi lên, bò trườn.  Cũng trong thời điểm này, bạn có thể giúp bé tập đứng vững vì khi đó thân người và những cơ bắp, cũng như đôi chân đã trở nên cứng cáp.
Lúc mới tập đi, bé có thể bấu vịn vào bất cứ thứ gì mà chúng nghĩ là chắc chắn như một bên nôi, tay vịn ghế sofa, hoặc chân của mẹ. Để an toàn cho bé, bạn nên mang những đồ vật không đủ vững chắc, đồ vật có cạnh sắc nhọn hoặc những đồ vật có thể gây nguy hiểm cho bé đi cất. Đến khoảng 10 hoặc 12 tháng, khi bé đã đứng vững và không cần nắm tay người lớn nữa thì bé có thể biết cách gập đầu gối để ngồi xuống hoặc đứng lên

9. Đi (khi bé 10 đến 18 tháng)

Những bước đi đầu tiên có ý nghĩa to lớn trong cuộc đời của bé. Một trong những sự khác biệt giữa đi và bò, trườn là sự thay đổi về độ cao của trọng tâm cơ thể. Do đó, để có những bước đi vững chắc, nó đòi hỏi cơ bắp của bé phải đủ cứng cáp, được phối hợp, giữ được thăng bằng và một chút tự tin.
Khi bé đang trong giai đoạn tập đi, bé thường có xu hướng bám vào những đồ nội thất trong nhà và đi dọc theo đó. Khi quan sát thấy bé háo hức và không quay lại phía sau để nhìn thì có nghĩa là bé đang có những bước đi đầu tiên rất tốt.
Về cơ bản, việc bé đi được đã tạo cơ hội cho bé phát triển những kỹ năng khác liên quan đến tay và thay đổi tầm nhìn. Vì vậy, bạn có thể tập luyện cho bé nâng cao khả năng phản ứng, tương tác cũng như học hỏi, cảm nhận nhiều hơn về môi trường xung quanh bằng cách kết hợp các kỹ năng cầm nắm, biểu lộ cảm xúc … mà bé đã học được trước đó trong lúc bé đi. Ví dụ: bạn đưa cho bé một con vịt đồ chơi nhỏ và bảo bé cầm nó đi về phía mình. Khi bé đến nơi và đưa con vịt đồ chơi cho bạn, bạn hãy nói “mẹ cám ơn con” và giả vờ kêu quạc quạc vài lần (để bé vui). Sau đó, bạn trả lại món đồ chơi đó cho bé và nói “tạm biệt chú vịt con nhé”.

Nguồn: marrybaby.vn

Trẻ sơ sinh và 7 cột mốc đáng nhớ!

Trẻ sơ sinh thường lớn rất nhanh, sẽ đến lúc bạn không còn nhớ nổi ngày con bé lọt thỏm trong vòng tay mình như thế nào. Bên cạnh những cột mốc cơ bản, mẹ đừng bỏ qua những thành tích lần đầu sau của con!



Có lẽ chiếc điện thoại thông minh là nơi lưu giữ nhiều khoảnh khắc kỷ niệm nhất trong thai kỳ cũng như thời gian mới sinh con của những ai làm cha mẹ lần đầu. Những tháng đầu sau sinh, giây phút “chộp” được đôi mắt mở tròn xoe, cảnh khóc hay cảnh con mỉm cười quả thật vô cùng quý giá. Tuy nhiên mẹ ơi, bên cạnh những cột mốc rất đỗi cơ bản ấy, còn rất nhiều điểm nhấn tuyệt vời khác rất cần được quan tâm và lưu giữ. Không chỉ lưu làm kỷ niệm, dựa vào những lần đầu này, cả ba lẫn mẹ sẽ biết cách hỗ trợ thiên thần nhỏ phát triển toàn diện hơn trong ngày tháng tiếp theo của giai đoạn sơ sinh.

1/ Lần đầu đòi bế

Hai tay dang ra, cơ thể ngúng nguẩy, gương mặt nũng nịu, bé yêu đang cố gắng hết sức để báo cho mẹ biết “Mẹ ơi con muốn bế”. Thành tích này của bé thông thường sẽ xuất hiện vào khoảng tháng thứ 5, lúc bé bắt đầu nhận ra sự tồn tại thực sự của thế giới xung quanh, nơi có vô vàn điều thú vị mời gọi bé khám phá. Đó chính là lý do tại sao trẻ sơ sinh bắt đầu vươn tay đến những vật khác nhau trước mặt. Các cô cậu nhóc cũng bắt đầu thổi bong bóng nước bọt, lật người thuần thục và cố gắng dùng vai để đẩy người ngồi dậy. Bé còn biết ôm bố mẹ và những người bạn thú bông đáng yêu thật chặt.



2/ Lần đầu đưa con ra ngoài

Ngoài thành tích của con, mẹ cũng nên trân quý cả thành tích của bản thân mình. Trong vài tháng đầu, mẹ có thể thuần thục hết tất cả các việc, từ việc bế con, cho con bú đến dỗ con ngủ. Ngày mẹ có thể điệu nghệ ẵm con trong tay, đeo thêm túi xách đựng vật dụng cần thiết, hai mẹ con ra ngoài đổi gió; những cột mốc này cũng cực kỳ đáng để lưu giữ phải không nào?

3/ Nhận thức được tên mình

6 tháng sau sinh, trẻ sơ sinh đã có thể nhận thức được tên gọi của bản thân. Nhờ sự phát triển của thính giác, bé cưng có thể nhanh chóng quay lại, phản ứng về phía phát ra âm thanh ngay khi nghe tiếng ai đó gọi tên mình. Âm thanh quen thuộc giúp bé dần nhận ra mình được gọi như thế nào. Thành tích này của bé còn cho thấy bé đã nhận ra mình là một cá thể độc lập, không còn phụ thuộc vào mẹ như lúc cuộn tròn trong bụng mẹ nữa. Lúc này, bạn có thể dạy bé nhận biết nhiều đồ vật khác nhau bằng cách chỉ và đọc tên. Ngoài ra, bé cưng đã biết chơi và rất thích thú với trò ú òa với người lớn.



4/ Tự chơi một mình

Gần chạm mốc một tuổi, sẽ có những lúc con ngủ dậy, chẳng khóc nhè, chẳng đòi ba mẹ, nhưng lại có thể tiến lại gần khu vực chơi riêng để tự vui một mình. Có thể chơi một mình khoảng 10 phút cho thấy bé thuộc tuýp vô cùng độc lập, tự chủ và có trí tưởng tượng khá phong phú.

5/ Ngồi trong xe đẩy

Cảnh tượng bé ngồi trong xe đẩy hàng tự chơi, còn mẹ thoải mái chọn mua vật phẩm cho gia đình có thể bắt gặp khi bé được 6-7 tháng tuổi. Lúc này, bé đã có thể ngồi vững và yêu thích khám phá mọi vật bằng đôi tay bé xinh. Thời điểm này, cổ cũng như phần cơ bụng của bé đã đủ mạnh để đỡ phần lưng thẳng thớm khi ngồi. Cẩn thận bé sẽ với những món có màu sắc bắt mắt trên kệ hàng siêu thị vào xe đẩy lúc nào không hay!

6/ Học cách sẻ chia


Hành động sẵn sàng chia sẻ đồ chơi hay thức ăn cho người khác khi bé gần mốc 1 tuổi có thể làm ba mẹ bất ngờ. Cử chỉ ngọt ngào này minh chứng trẻ đã biết suy nghĩ cho cả người khác, chứ không riêng gì nhu cầu của bản thân. Bé sẽ tìm cách hiểu cảm xúc của người khác và cố gắng làm hài lòng mọi người. Muốn nuôi dưỡng thói quen tốt này, một lời cảm ơn chân thành hay động viên là không thể thiếu.

7/ Cất tiếng hát, nhún chân nhảy lần đầu

Khoảnh khắc chuyển giao giữa năm đầu và năm thứ 2, mẹ có thể sẽ chứng kiến một cột mốc vô cùng diệu kỳ: Bé tập hát, tập nhảy. Điều này cho thấy bé đang tìm cách tận hưởng niềm vui và vô cùng tự tin về giọng nói cũng như cơ thể của mình. Lúc này, khuyến khích bé thật nhiệt liệt mẹ nhé, để giúp con tự tin hơn nữa thể hiện bản thân, một tính cách tuyệt vời trong tương lai.

Nguồn: marrybaby.vn