Cẩm nang chăm sóc bà bầu

Trang tin hữu ích dành cho cả mẹ và bé!

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016

Tổng hợp 5 cách vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh an toàn, sạch sẽ

Vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh có thể trở thành một cuộc chiến cam go cho mẹ. Nửa muốn thật nhẹ nhàng cho con, nửa lại sợ làm như thế không đủ sạch, mẹ sẽ phải làm gì để cửa ngõ của hệ hô hấp lúc nào cũng sạch sẽ?



Trẻ mới sinh thường có ống mũi hẹp nên chỉ cần một ít gỉ mũi thôi cũng đủ gây nghẹt thở. Mũi không thông thoáng sẽ khiến trẻ khó chịu, ngủ không ngon, quấy khóc. Vì vậy, vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh hàng ngày sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái, hơn thế nữa còn giúp phòng chống các bệnh nhiễm trùng.

Thế nhưng, vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh quả là một nhiệm vụ đầy thử thách dành cho mẹ. Vì cơ thể trẻ rất nhạy cảm khi có tác động từ bên ngoài. Trước hết, cách tự nhiên nhất để làm sạch mũi cho trẻ là làm cho bé hắt hơi. Bởi vì bé chưa biết tự xì mũi, nên hắt hơi sẽ giúp tống những chất nhờn hoặc gỉ cứng gây tắc nghẽn bên trong. Mẹ có thể dùng một sợi tóc sạch dụi nhẹ vào trong lỗ mũi bé để gây hắt hơi. Nếu như cách này không hiệu quả, mẹ có thể rửa và hút mũi cho bé để làm cho đường thở thông thoáng.




Vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh bằng nước muối là lựa chọn an toàn nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ mới tập đi. Việc sử dụng chai xịt mũi rất đơn giản. Mẹ chỉ cần đặt bé nằm nghiêng đầu, sau đó xịt 1 hoặc 2 lần nước muối vào bên trong. Một cách khác là dùng ống nhỏ nước muối, nhỏ vào mỗi bên mũi bé vài giọt, chờ 1-2 phút rồi lau sạch chất dịch chảy ra bên ngoài. Nước mũi sẽ giúp hòa tan chất nhờn làm giảm nghẹt và rửa mũi.


Một số loại nước muối dạng nhỏ giọt và dạng xịt dùng để vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh

Dùng dụng cụ hút mũi để vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh

Mẹ có thể sử dụng những dụng cụ hút mũi như ống hút và bóng hút mũi. Dụng cụ hút sẽ giúp loại bỏ ngay lập tức những chân nhầy bên trong. Tuy nhiên đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi thì mẹ chỉ nên áp dụng phương pháp nhẹ nhàng. Trước khi hút mũi, mẹ cần nhỏ nước muối vào mũi trẻ trước để làm gỉ mũi mềm, dễ dàng trôi ra.

Một số lưu ý khi sử dụng cách này:

– Vệ sinh dụng cụ hút sạch sẽ trước và sau khi sử dụng
– Quá trình hút mũi phải thực hiện nhẹ nhàng tránh gây thương tổn niêm mạc mũi.
– Không được hút mũi, vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh quá 2-3 lần/ngày.
– Không sử dụng nước muối sinh lý nhỏ mũi quá thường xuyên, vì nó sẽ gây khô mũi trẻ
– Lựa chọn dụng cụ hút mũi được thiết kế phù hợp với kích thước mũi trẻ


Một số loại dụng cụ hút mũi cho trẻ sơ sinh bằng tay và cắm điện

NP là phương pháp hút mũi được thực hiện bởi y tá, bác sỹ có chuyên môn. Chỉ khi gỉ mũi của con đóng quá cứng không thể làm sạch bằng 2 cách trên thì mẹ lựa chọn cách này. Và cả khi hít thở con phát ra tiếng lạ hoặc cảm thấy khó thở khi ăn và uống thì con cũng nên được NP.

Phương pháp này sẽ giúp mũi con được làm sạch từ phía sâu bên trong. Nhưng cũng phải hạn chế vì hút nhiều lần, trẻ sẽ dễ bị sưng và chảy máu mũi bên trong. Tuyệt đối không nên cho trẻ hút mũi sau khi ăn vì dẫn đến nôn mửa.


Trẻ sơ sinh bị sổ mũi vì nhiều lý do khác nhau, nhưng phần lớn các trường hợp đều có thể xử lý tại nhà. Để thiên thần nhỏ bớt khó chịu vì sổ mũi, nghẹt mũi, mẹ đừng quên những mẹo hữu ích sau đây nhé!

 Xông hơi


Mẹ có thể biến phòng tắm thành một phòng xông hơi nhỏ bằng cách xả nước nóng đầy bồn tắm hoặc để thau nước nóng trong phòng. Sau khi hơi ẩm phủ khắp phòng mẹ và bé vào ngồi xông hơi khoảng 5-10 phút. Không khí ẩm sẽ giúp mũi trẻ được thông thoáng và dễ dàng hắt hơi, đẩy gỉ mũi ra bên ngoài.

Kê gối cao

Đệm gối cho con hơi cao hơn với cơ thể khi ngủ sẽ giúp con hít thở dễ dàng hơn. Các chất nhầy trong mũi cũng sẽ ít tắc nghẽn và dễ dàng thoát ra ngoài. Mẹ chỉ cần đệm thêm một chiếc khăn nhỏ dưới cổ con là được. Ngoài ra, không khí khô hanh cũng chính là nguyên nhân làm mũi đóng gỉ. Vì vậy khi con ngủ mẹ hãy đặt một máy tạo ẩm cho không khí thoáng mát hơn nhé!

2 thắc mắc thường gặp khi vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh

1/ Khi nào thì nên hút mũi cho trẻ ?
– Khi trẻ gặp khó khăn trong việc thở
– Trẻ phát ra âm thanh lạ, khò khè khi hít thở
– Nếu cần phải hút mũi thì nên tránh thời điểm trước khi giờ ngủ và sau giờ ăn. Vì nó sẽ gây nôn mửa ở trẻ.

2/ Có nên vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh trong khi tắm không?
– Mẹ có thể làm sạch mũi cho con trong khi tắm bằng cách dùng bông gòn lau nhẹ nhàng quanh lỗ mũi. Nhưng các chuyên gia không khuyến khích mẹ lau sâu vào bên trong để tránh gây tổn thương niêm mạc mũi.

Nguồn: marrybaby.vn

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2016

Phương pháp chăm sóc trẻ sơ sinh tốt nhất!

Chăm sóc trẻ sơ sinh là việc làm đòi hỏi sự tỷ mỉ và cẩn thận của người mẹ. Nhất là trong những tuần đầu tiên, khi mẹ còn vụng về, lóng ngóng, đây là lúc mẹ cần nhiều lời khuyên nhất về những kỹ năng cơ bản để chăm sóc bé yêu.




Da em bé rất mỏng và nhạy cảm nên ba mẹ cần chú ý và chăm sóc một cách cẩn thận. Vài phút đầu sau khi sinh, da của bé có màu xanh nhưng sau đó màu sắc cơ thể bé chuyển từ xanh sang hồng hào. Bắt đầu từ ngày thứ 2 hoặc thứ 3, trẻ có hiện tượng vàng da sinh lý và đạt đỉnh điểm vào ngày thứ 3, thứ 4 nhưng sau đó sẽ giảm dần.



Khi ra đời, cơ thể bé được bao bọc bởi lớp chất “gây”, giúp giữ nhiệt và bảo vệ da cho trẻ. Do vậy mà ngay sau khi sinh, mẹ không nên tắm sạch lớp chất “gây” ấy. Nhưng sau khoảng 24 – 48 tiếng, trẻ phải được tắm sạch mỗi ngày do lúc này lớp chất “gây” lại là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Đặc biệt là trong khâu vệ sinh mẹ cần tiến hành cẩn thận để bảo vệ bé khỏi hăm tã.
Bên cạnh đó mẹ nên kiểm tra các khiếm khuyết trên da. Ví dụ như các vết bớt, được hình thành sau khi sinh hoặc phát triển sau này, để mẹ có cách xóa chúng đi sớm cho trẻ.

Chăm sóc da là bài học đầu tiên của mẹ trong các cách chăm sóc trẻ sơ sinh tốt nhất!
Chăm sóc giấc ngủ cho trẻ sơ sinh



Thời gian ngủ trung bình của trẻ sơ sinh là 18 – 20 giờ mỗi ngày. Mẹ cần đặc biệt quan tâm đến giấc ngủ của trẻ vì nó đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ nhỏ.
Trước tiên mẹ cần phải để ý đến tư thế nằm ngủ của trẻ, đặt bé nằm ngửa là tư thế ngủ tốt nhất dành cho bé. Bắt đầu từ tháng thứ 6, trẻ đã có thể lật nghiêng qua một bên hay nhổm đầu, ba mẹ đừng lo lắng khi thấy bé xoay người khi ngủ, điều đó chứng tỏ bé đã có đủ sức khỏe để lựa chọn một tư thế ngủ tốt nhất cho mình.
Nhiều gia đình thường hay rung lắc nhằm giúp bé dễ ngủ hơn nhưng cần hạn chế vì hành động này sẽ khiến não của bé dễ bị tổn thương.
Nhiệt độ trong phòng bé nên giữ trên 26 độ C là tốt nhất. Nếu quá nóng, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng lên, gây nguy hiểm cho bé. Quá lạnh sẽ làm bé dễ bị cảm lạnh, viêm đường hô hấp. Nên cho bé nằm cạnh mẹ, giúp cho việc theo dõi và cho con bú dễ dàng hơn.
Chăm sóc vệ sinh cho trẻ sơ sinh

Tắm là một phần không thể thiếu trong quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng bé. Tắm cho bé đúng cách có thể giúp bé cảm thấy thoải mái, dễ chịu và có một giấc ngủ ngon.
Với những bé chưa rụng rốn có thể tắm bằng khăn, dùng khăn nhúng nước sạch và lau toàn thân bé. Đối với bé đã rụng rốn rồi có thể tắm bằng chậu. Không nhất thiết mỗi ngày phải gội đầu cho bé, ngoại trừ khi thời tiết nóng. Khi trời lạnh chỉ nên gội đầu bé 2-3 lần một tuần.
Vệ sinh mũi và tai: Không nên ngoáy bên trong mũi và tai em bé, chỉ cần làm sạch tai bằng cách sử dụng bông gòn thấm nước ngoài tai vì ráy tai là dịch tiết tự nhiên ở ống tai ngoài, có tính khử trùng và bảo vệ màng nhĩ khỏi cát bụi.
Vệ sinh móng tay, chân: Không nên để móng tay, chân bé quá dài, bé sẽ tự cào xước da mình. Thời gian cắt móng tay cho bé là sau khi tắm, lúc này móng tay bé mềm.
Chăm sóc cân nặng của trẻ

Giảm cân là hiện tượng hoàn toàn bình thường trong năm ngày đầu tiên của một đứa trẻ sơ sinh. Vì đây là giai đoạn những chất lỏng dư thừa trong cơ thể bé được tống ra ngoài. Bé giảm số cân không quá 10% trọng lượng sơ sinh của mình. Nhưng mẹ yên tâm là bé sẽ lấy lại được cân nặng khi sinh của mình sau 1 – 2 tuần.
Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ

Mẹ nên cho bé bú càng sớm càng tốt để bé có thể nhận được lượng sữa non bổ dưỡng. Nếu mẹ cảm thấy sữa về chậm thì trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, mẹ hoàn toàn có thể cho bé bú. Hầu hết trẻ sơ sinh cần được cho bú mỗi 2 – 4 tiếng và khoảng 8 – 12 lần trong ngày. Mẹ cũng lưu ý tư thế bú và cách bú đúng giúp bé hấp thụ được lượng dinh dưỡng cần thiết.
Tiêm phòng cho trẻ sơ sinh

Ngay sau khi sinh vài giờ, việc tiêm phòng 1 – 2 mũi cho bé là vô cùng quan trọng. Bé cần được tiêm bổ sung vitamin K và chủng ngừa viêm gan B. Vitamin K có tác dụng ngăn rối loạn chảy máu (bệnh xuất huyết của trẻ sơ sinh), và chủng ngừa viêm gan B – một chủng ngừa vô cùng quan trọng cho bé.
Cach cham soc tre so sinh khoa hoc
Ảnh: Sưu tầm Internet
Chăm sóc trẻ sơ sinh đúng cách giúp bé lớn nhanh và khỏe mạnh
Giao tiếp với trẻ

Bé thường sẽ nhận ra giọng nói của bạn bởi giọng nói này đã quá quen thuộc với bé trong suốt quãng thời gian vừa rồi. Bạn có thể giao tiếp với bé của bạn bằng giọng nói, thị giác và khứu giác, nụ cười của bạn. Tất cả những thái độ hành động của bạn sẽ được bé tiếp thu và ghi nhận. Mẹ cũng sẽ nhanh chóng nhận thấy được ngôn ngữ cơ thể của bé.
Một số hiện tượng bình thường của trẻ sơ sinh

Mẹ sẽ thường thấy bé hay bị giật mình, ngay cả khi bé đang nằm trong phòng yên tĩnh hoặc có tiếng ồn.
Hiện tượng dính mắt khá phổ biến ở trẻ sơ sinh, nguyên nhân phổ biến nhất là do ống dẫn nước mắt của bé đang bắt đầu đi vào hoạt động. Việc cần làm của bạn lúc này là hãy làm sạch và mát-xa nhẹ nhàng cho bé. Nhưng tốt hơn cả là bạn cần đưa bé tới bác sĩ để thăm khám.
Nếu mặt bé có dấu hiệu sưng, bao gồm cả mí mắt hoặc bé bị thâm tím do dụng cụ khi tiến hành lấy thai thì các thì mẹ yên tâm vì hiện tượng này sẽ nhanh chóng hết đi trong vài ngày đầu tiên.
Chăm sóc người mẹ

Người mẹ có khỏe thì em bé mới khỏe mạnh. Do đó thời gian sau khi sinh, việc tự chăm sóc sức khỏe bản thân là rất quan trọng đối với mẹ. Các chuyên gia y tế khuyên các mẹ nên uống thật nhiều nước và thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh. Điều này vừa giúp mẹ nhanh chóng phục hồi sức khỏe vừa giúp bạn có nguồn sữa mẹ dồi dào cho bé.
Tuần đầu tiên, em bé của bạn cần thời gian để thích nghi với cuộc sống, môi trường mới. Mẹ của bé cũng chuẩn bị sẵn tinh thần về việc bạn không thể ăn tùy thích, ngủ tùy thích mà mẹ sẽ phụ thuộc vào thời gian biểu của bé. Bé sẽ chẳng cho bạn ngủ qua đêm đâu, nhất là tuần đầu tiên từ bệnh viện về nhà.

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

Chăm sóc sau sinh mổ: quá cẩn thận cũng không tốt!

Bên cạnh những mẹ không biết cách chăm sóc sau sinh mổ đúng, nhiều mẹ lại chăm sóc, kiêng cữ một cách quá mức cần thiết, dẫn đến những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe cũng như đời sống sau sinh. Liệu bạn có đang mắc phải sai lầm này?



Mất một lượng máu lớn cũng như phải chịu đựng một ca đại phẫu, mẹ sinh mổ thường phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe. Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến khích mẹ nên chú ý chăm sóc, bảo vệ cơ thể sau sinh để tránh nhiễm trùng, viêm nhiễm vết thương cũng như phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên, kiêng khem quá mức cũng không hẳn tốt. Cùng chúng tôi điểm danh những sai lầm khi chăm sóc sau sinh mổ phổ biến, mẹ nhé!

1/ Kiêng vận động, nằm nhiều để dưỡng sức

Sau sinh mổ, mẹ được chỉ định nên nằm nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng cũng như hạn chế đi lại tránh động đến vết mổ. Tuy nhiên, không phải vì vậy mẹ nằm bất định trên giường đâu nhé!
Thực tế, ngay khi vết mổ bớt đau, mẹ đã có thể ngồi dậy nhẹ nhàng, và có thể đứng dậy đi lại nhẹ nhàng trong phòng sau khi ống dẫn tiểu được tháo ra. Không giống như suy nghĩ của mẹ, nằm yên một chỗ quá lâu sẽ làm ứ đọng sản dịch, vết mổ dính lại, cũng như ảnh hưởng đến sự phục hồi của hệ tiêu hóa.

Lưu ý: Mẹ chỉ nên đi lại, vận động nhẹ nhàng. Tránh làm việc nặng cũng như vận động quá mức. Nếu muốn tập thể dục, mẹ nên chờ ít nhất 6-8 tuần để cơ thể thật sự phục hồi.



2/ Ăn thật nhiều để mau hồi sức

Mất sức, mất máu trong quá trình sinh con nên khi bé chào đời, mẹ cần ăn thật nhiều để lấy lại sức cũng như có đủ sữa cho con bú. Suy nghĩ này không hoàn toàn đúng đâu mẹ nhé! Thay vì tập trung ăn thật nhiều, mẹ chỉ nên ăn vừa đủ nhưng đa dạng đủ các nhóm chất, nhất và vitamin và khoáng chất. Ăn quá nhiều, quá no sẽ làm thức ăn tích tụ trong dạ dày, hệ tiêu hóa chưa kịp phục hồi sau sinh nên chưa thể tiêu hóa hết lượng thức ăn này, dẫn đến đầy hơi, táo bón.

3/ Kiêng “yêu” quá lâu



Khác với sinh thường, sinh mổ không tác động đến “cô bé” nên không ảnh hưởng nhiều đến đời sống tình dục. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo mẹ sau sinh không nên quan hệ quá sớm, bởi thời gian đầu sản dịch vẫn còn, cổ tử cung vẫn mở nên nguy cơ nhiễm trùng khá cao.
Lo lắng nhiễm trùng cũng như cảm thấy tự tin về cơ thể sau sinh, nhiều mẹ “tránh” chồng rất lâu, dẫn đến ảnh hưởng xấu đến đời sống vợ chồng. Thực tế, hầu hết những mẹ sinh mổ có sức khỏe bình thường đều chỉ cần 6-8 tuần để vết mổ lành lặn lại. Chỉ một số ít có cơ địa mẫn cảm cần thời gian lâu hơn.

4/ Kiêng tắm và gội đầu

Một trong những quan niệm chăm sóc sau sinh mổ sai lầm nhưng vẫn được rất nhiều mẹ tin tưởng: Kiêng tắm và gội đầu. Thực tế, việc này không bảo vệ sức khỏe mẹ sau sinh mà ngược lại sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh phát triển, dẫn đến nhiễm trùng vết mổ. Thậm chí, có thể lây nhiễm ngược cho trẻ sơ sinh trong lúc cho bé bú.
Tốt nhất, sau khi sinh mẹ nên chủ động vệ sinh cơ thể sạch sẽ bằng khăn ấm, đặc biệt chú ý vệ sinh bầu ngực trước khi cho con bú. Tuyệt đối không ngâm mình trong bồn tắm. Thời gian tắm cũng không nên quá 10-15 phút, đồng thời nên tắm trong phòng kín, tránh gió lùa.

5/ Chăm sóc vết mổ kỹ quá mức

Sợ vết mổ nhiễm trùng cũng như bị ảnh hưởng nên nhiều mẹ băng thật kín cũng như không dám vệ sinh. Việc này không chỉ làm vết mổ lâu lành mà còn có thể dẫn đến nhiễm trùng. Tốt nhất, trước khi xuất viện, mẹ nên tham khảo cách chăm sóc vết mổ sau sinh, y tá và các bác sĩ sẽ rất sẵn lòng hướng dẫn.

6/ Không cho trẻ bú ngay sau sinh

Chờ sữa về mới cho con bú là sai lầm chung của rất nhiều mẹ sau sinh. Thực tế, các chuyên gia khuyến khích mẹ nên cho con bú ngay sau khi sinh. Những giọt sữa non đầu tiên rất giàu dinh dưỡng, cũng như các chất tốt cho hệ miễn dịch bảo vệ bé khỏi bệnh tật ngay trong những tháng đầu đời. Cho con bú muộn đồng nghĩa với việc mẹ đã “tước” mất quyền lợi được hưởng những lợi ích từ nguồn sữa non của con yêu.

Nguồn: marrybaby.vn

Cho bé ăn dặm: Phương pháp nào thật sự tốt cho bé?

So ưu khuyết điểm giữa 3 phương pháp cho bé ăn dặm phổ biến nhất hiện nay: Ăn dặm truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật và ăn dặm tự chỉ huy, đâu mới là lựa chọn hoàn hảo cho bé cưng?



Hiện nay, có 3 phương pháp ăn dặm được nhiều mẹ quan tâm nhất là ăn dặm truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật và ăn dặm tự chỉ huy. Mỗi phương pháp đều có ưu, nhược điểm riêng. Hơn nữa, mỗi bé sẽ phù hợp với một cách ăn dặm riêng. Trong 3 phương pháp này, đâu là cách cho bé ăn dặm tốt nhất? Mẹ có thể kết hợp cùng lúc cả 2, thậm chí cả 3 không? Tham khảo bài viết sau để biết được cách ăn dặm phù hợp với bé cưng nhất, mẹ nhé!

1/ Cho bé ăn dặm kiểu truyền thống

Rất nhiều bà mẹ hiện đại cho rằng phương pháp ăn dặm truyền thống không còn phù hợp với xu hướng hiện nay. Tuy nhiên, bạn có thể sẽ giật mình khi biết mỗi năm vẫn có hàng triệu trẻ em Việt Nam được cho ăn theo cách này.
Ưu điểm: Chế biến nhanh, không mất nhiều thời gian chuẩn bị
Khuyết điểm: Vì thường xuyên ăn bột, cơm nhuyễn nên khả năng ăn thực phẩm thô của trẻ kém phát triển. Nhiều bé 2 tuổi nhưng vẫn phải ăn cơm nhuyễn. Hơn nữa, việc nấu chung các nguyên liệu với nhau sẽ làm bé khó cảm nhận mùi vị, từ đó dẫn đến biếng ăn hoặc kén chọn thực phẩm.

2/ Ăn dặm kiểu Nhật 

Đây là phương pháp cho bé ăn dặm đang được rất nhiều mẹ Việt ưu ái. Với phương pháp này, bé bắt đầu tập ăn dặm từ 5-6 tháng tuổi với cháo loãng theo tỷ lệ 1:10. Độ thô của cháo sẽ tăng dần theo độ tuổi của bé. Ngoài cháo, bé cưng được ăn các loại thực phẩm khác như thịt, cá, rau xanh với độ thô phù hợp. Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là trẻ được ăn riêng từng loại thức ăn, đảm bảo đủ 3 nhóm thực phẩm: tinh bột, vitamin, và đạm theo chuẩn: vàng – đỏ – xanh.



Ưu điểm: So với ăn dặm kiểu truyền thống, bé ăn dặm kiểu Nhật sẽ có khả năng ăn thô sớm hơn. Ngoài ra, nhờ ăn riêng từng loại thức ăn, bé làm quen tốt hơn với mùi vị thực phẩm. Đồng thời, bé ăn dặm kiểu này cũng được tập thói quen ngồi ăn ngay từ nhỏ.
Nhược điểm: Trong giai đoạn đầu chuẩn bị, mẹ sẽ rất mất thời gian, công sức khi phải chuẩn bị riêng từng món.


3/ Ăn dặm tự chỉ huy

Không có quấy bột, không cháo loãng là điểm đặc trưng của phương pháp này. Ngay từ lần ăn dặm đầu tiên, bé sẽ được tập ăn thô y như người lớn. Không nhằm mục đích “nhồi nhét” thực phẩm vào dạ dày của bé, ăn dặm tự chỉ huy chủ yếu tập trung vào việc tập cho bé nhai. Trong giai đoạn này, sữa vẫn là thực phẩm chủ yếu.
Một điểm khác cũng khá đặc biệt trong phương pháp ăn dặm này: Trẻ không dùng muỗng, không bát đũa mà sẽ dùng chính đôi tay của mình. Với phương pháp này, mẹ sẽ chuẩn bị cho bé những thức ăn nguyên miếng, được hầm mềm như cà rốt, khoai tây, cơm nắm, chuối, lườn gà bỏ xương… Bé sẽ “tự chọn” món ăn yêu thích của mình để cho vào miệng.
Ưu điểm:
– Bé tự khám phá mùi vị, kết cấu cũng như màu sắc của từng loại thức ăn
– Phát triển kỹ năng vận động phối hợp giữa tay-mắt và kỹ năng nhai
– Trẻ tự do ăn đúng lượng thực phẩm bé cần, theo thời gian của riêng mình
– Không cần tốn thời gian chuẩn bị đồ ăn riêng cho bé
Nhược điểm: Trong vài tháng đầu trẻ tập làm quen với phương pháp ăn dặm tự chỉ huy sẽ chỉ ăn rất ít. Vì vậy, những mẹ đặt tiêu chí muốn con tăng cân nhanh sẽ không phù hợp. Ngoài ra, việc cho trẻ ăn thô ngay từ đầu rất dễ làm bé bị hóc, nghẹn. Đồng thời, thức ăn để trên bàn đòi hỏi mẹ phải thường xuyên vệ sinh, lau dọn nếu không có thể làm bé bị tiêu chảy.

Thay vì gượng ép trẻ theo một phương pháp ăn dặm nhất định, mẹ nên cho bé ăn tùy theo khả năng, cũng như sở thích. Hơn nữa, mẹ cũng có thể chọn cách kết hợp nhiều phương pháp ăn dặm với nhau để có phương pháp phù hợp nhất. Thực tế, nhiều trẻ thích ăn thô sớm, chỉ 10 tháng đã có thể ăn cơm nhưng có trẻ 1 tuổi vẫn không chịu ăn gì ngoài thức ăn xay nhuyễn, dù cùng theo một phương pháp ăn dặm. Tốt nhất, khi cho bé ăn dặm, mẹ nên lưu ý đến sự hợp tác và nhu cầu của bé. Với bé không thích ăn thô, chắc chắn mẹ không thể cứng nhắc áp dụng phương pháp ăn dặm tự chỉ huy hay ăn dặm kiểu Nhật hoàn toàn được. Cần kiên trì tập dần cho bé ăn, xen kẽ những bữa ăn thô và ăn nhuyễn.

Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

Bé suýt mất mạng vì thói quen pha sữa sai lầm của bố

Mới đây ở Trung Quốc, nhiều phụ huynh chia sẻ cho nhau bài báo về một trường hợp sai lầm đáng tiếc của cha mẹ khi nuôi trẻ sơ sinh. Theo đó, con trai nhỏ của anh Wang ở Hạ Môn, Trung Quốc sinh non. Vì vợ thiếu sữa nên anh Wang phải cho bé ăn thêm sữa ngoài. Muốn con trai nhanh tăng cân, mỗi lần pha sữa, ông bố trẻ lại cố tình bỏ thêm, pha nhiều hơn vài thìa sữa bột so với công thức chuẩn.


Sau một thời gian liên tục như vậy, con trai anh Wang chẳng những không tăng cân mà còn thường xuyên bị trớ, chán ăn, gương mặt kém hoạt bát, tươi tỉnh. Không biết con mắc bệnh gì, gia đình anh Wang lại sốt sắng đưa bé trở lại bệnh viện. Tại đây, kết quả kiểm tra cho thấy đứa trẻ suýt đã bị hoại tử ruột. Gia đình anh Wang choáng váng không thốt lên lời.
Các bác sĩ cho biết, con trai anh Wang đã phải uống sữa quá đặc trong một thời gian dài, gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, phá hủy tế bào, cụ thể là gây viêm ruột. Nếu để tình trạng này kéo dài, đứa trẻ có thể bị sốt, tiêu chảy ra máu, thậm chí đe dọa tính mạng.

Alexander Penn, một giáo sư sinh học làm việc trong phòng thí nghiệm của trường đại học California San Diego cho biết: “Acid béo tự do được xem là “chất tẩy rửa” có khả năng làm tổn hại tới màng tế bào. Ruột của trẻ thiếu niên và người trưởng thành có một niêm mạc phát triển toàn diện để ngăn chặn tác hại do các acid béo tự do gây ra.”



Tuy nhiên, ruột trẻ sơ sinh, đặc biệt ở trẻ sinh thiếu tháng lại rất yếu ớt, không có nhiều khả năng ngăn chặn acid béo. Đó là lý do tại sao trẻ sơ sinh có nhiều nguy cơ bị viêm ruột hoại tử nếu uống sữa công thức quá đặc, được pha sai cách. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn chủ quan khi pha sữa không đúng quy định.

Ngoài lỗi pha sữa quá đặc, nhiều cha mẹ Việt cũng thường mắc các sai lầm sau:

1. Pha sữa bằng nước khoáng

Một số cha mẹ mắc lỗi “cẩn thận quá” khi mua nước khoáng, nước suối đóng chai về pha sữa cho con với suy nghĩ những loại nước đóng chai này đảm bảo độ sạch và tinh khiết cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên thực tế, nước khoáng và nước suối dù không chứa tạp chất hay vi khuẩn nhưng lại có hàm lượng khoáng chất phức tạp, khi kết hợp với sữa công thức có thể ảnh hưởng đến sức khỏe em bé.

Cách tốt nhất là mẹ nên sử dụng nước lọc đun sôi để đến nhiệt độ thích hợp pha sữa cho con là tốt nhất.

2. Thêm nước trước khi thêm sữa bột

Cho nước rồi mới cho sữa bột thì lượng sữa nước có được sau khi pha sẽ luôn nhiều hơn lượng nước chuẩn quy định, không thể đảm bảo tính chính xác của sữa. Ngoài ra, khi mẹ cho sữa bột vào nước, sữa bột dễ đóng cặn, không tan đều, không có lợi chi tiêu hóa của trẻ.

Thứ tự pha sữa bột đúng phải là cho bột vào trước rồi mới bổ sung nước ấm theo đúng tỷ lệ.

3. Pha sữa không đúng nhiệt độ

Tùy từng loại sữa bột mà các hãng lại có yêu cầu riêng về nhiệt độ. Pha sữa với nước quá nóng có thể dễ dàng làm mất chất dinh dưỡng. Pha sữa với nước quá lạnh có thể khiến sữa không tan hết, tổn thương đường ruột.

Do đó, trước khi pha sữa cho con, cha mẹ cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng có trên từng lon sữa bột của mỗi hang khác nhau.



4. Để sữa nguội sau đó làm nóng lại

Sữa công thức đã pha, để nguội rồi tái đun sôi có thể làm thay đổi cấu trúc của các protein, vitamin và do đó mất đi giá trị dinh dưỡng. Trong trường hợp sữa pha xong nhưng trẻ chưa ăn, mẹ có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng trong 2 giờ và sau đó nên bỏ đi, thay sữa mới.

5. Lắc sữa quá mạnh

Nhiều cha mẹ có thói quen lắc bình sữa thật mạnh khi pha với suy nghĩ làm vậy sữa sẽ tan hết nhanh và kỹ. Tuy nhiên, hành động này sẽ tạo ra rất nhiều bong bóng trong sữa. Khi trẻ uống phải sữa có nhiều bong bóng sẽ dẫn đến đầy hơi, nấc, trớ.

Cách pha sữa tốt nhất là sau khi thêm nước, sữa bột theo đúng tỷ lệ, mẹ dùng thìa khuấy thật nhẹ nhàng theo một chiều nhất định

Nguồn (Source): eva.vn

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

Tăng cân khi mang thai: Điều các mẹ bầu cần biết trong suốt quá trình

Tăng cân khi mang thai là vấn đề thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mẹ và bé. Tuy nhiên, không phải mẹ bầu nào cũng biết cách tăng cân đúng chuẩn, phù hợp với từng giai đoạn của thai kỳ!


Tăng cân luôn là nỗi ám ảnh của rất nhiều phụ nữ. Đặc biệt, với phụ nữ mang thai, vấn đề cân nặng lại càng quan trọng hơn, bởi nó có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mẹ và sự phát triển của thai nhi. Tăng cân ít, thai nhi có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, nhưng tăng cân quá nhiều, mẹ lại có nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng thai kỳ nguy hiểm. Vậy, tăng cân khi mang thai như thế nào mới chuẩn? Trong từng giai đoạn của thai kỳ, bà bầu nên tăng bao nhiêu kg? Tham khảo ngay để biết cách tăng cân “thông minh” nhất, bạn nhé!

1/ Tăng cân khi mang thai: Mỗi mẹ mỗi khác

Các chuyên gia khuyến cáo mẹ bầu nên tăng thêm từ 10-12 kg trong thai kỳ. Tuy nhiên, đây là mức cân nặng trên lý thuyết. Thực tế, số kg mẹ tăng thêm trong thời gian mang thai sẽ tùy thuộc vào những yếu tố sau:




– Số lượng em bé trong bụng mẹ. Những mẹ mang đa thai sẽ phải tăng cân nhiều hơn so với mẹ đơn thai, khoảng từ 16-20 kg.
– Chỉ số khối cơ thể (BMI) trước khi mang thai. Tùy theo chỉ số BMI, mức độ tăng cân khi mang thai cũng sẽ khác nhau. Chẳng hạn, mẹ bầu thân hình “cò hương”, nghĩa là chỉ số BMI dưới 18,5 cần tăng thêm từ 12-18 kg. Ngược lại, những mẹ có BMI từ 25 – 29,9 chỉ nên hạn chế mức cân nặng từ 7-11 kg. Đặc biệt, những mẹ thuộc nhóm béo phì, có BMI từ 30 trở lên chỉ nên tăng từ 5-9 kg khi mang thai.

2/ Tăng cân theo từng giai đoạn của thai kỳ

– Mang thai 3 tháng đầu:
Trong giai đoạn 3 tháng đầu, thai nhi còn khá nhỏ và mẹ bầu cũng đang học cách thích nghi với sự thay đổi của cơ thể, cũng như bị những cơn ốm nghén hành hạ nên bạn không cần tăng cân quá nhiều. Trung bình mỗi tháng có thể tăng thêm khoảng 450 – 700 gram và khoảng 1,5 -2,5 kg trong vòng 3 tháng. Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu trong giai đoạn này cũng không cần bổ sung quá nhiều, chủ yếu tập trung vào chất lượng thực phẩm cũng như lượng vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi trong giai đoạn này. Mẹ lưu ý, khẩu phần dinh dưỡng hàng ngày trong 3 tháng đầu cần tăng thêm khoảng 200 calories so với nhu cầu năng lượng thông thường.




– Mang thai 3 tháng giữa:
Không còn bị ảnh hưởng bởi ốm nghén, trong 3 tháng giữa thai kỳ, mẹ cần tranh thủ tăng thêm khoảng 450 gram/ tuần, tương đương 5 – 6,5 kg trong 3 tháng. Đây là giai đoạn cân nặng của mẹ bầu có sự biến chuyển đáng kể. Tuy nhiên, mỗi bữa bạn cũng không cần ăn quá nhiều, chỉ tăng thêm so với nhu cầu năng lượng thông thường khoảng 300 calories, tương đương với một ly nước cam, cà rốt và một hộp sữa chua.
– Mang thai 3 tháng cuối:
Tam cá nguyệt cuối là giai đoạn thai nhi phát triển thần tốc nhất và cũng là giai đoạn mẹ bầu tăng cân nhanh nhất. Trung bình mỗi tuần, mẹ có thể tăng thêm 0,5 kg. Tuy nhiên, khác với tâm lý cố gắng ăn nhiều, nhồi nhét để thai nhi tăng cân của nhiều mẹ, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo mẹ bầu  mỗi ngày chỉ cần thêm 400 – 450 calories vào khẩu phần ăn của mình. Làm sao để đến tuần 28 của thai kỳ, mẹ bầu có thể tăng thêm khoảng 9 kg, và tới tuần thứ 36 – 38 sẽ khoảng 12 -13 kg. Ở tuần thứ 40 – 41, cân nặng của bà bầu có thể sẽ giảm đôi chút, nhưng không đáng kể.

3/ Tăng cân khi mang thai: Top những lưu ý quan trọng cần nhớ!

– Mỗi tuần một lần, mẹ có thể tự kiểm tra cân nặng của mình. Lưu ý, chỉ nên kiểm tra vào một thời điểm trong ngày, cũng như sử dụng 1 chiếc cân duy nhất cho cả thai kỳ. Tốt nhất, bạn nên cân vào buổi sáng sớm khi vừa thức dậy, lúc cơ thể còn đói.
– Không nên cố gắng giảm cân khi mang thai. Trao đổi thêm với bác sĩ nếu cân nặng có dấu hiệu tăng quá mức. Thông thường, các chuyên gia sẽ không khuyến khích bạn bỏ bữa. Thay vào đó, bạn nên tránh ăn quá nhiều trong một bữa. Ưu tiên thực phẩm ít béo, đường và giàu chất xơ. Đồng thời, cố gắng bổ sung đủ lượng nước mỗi ngày. Không chỉ quan trọng đến sức khỏe mẹ và bé, bổ sung nước còn ngăn chặn cảm giác đói và thèm ăn hiệu quả.
– Cơm là thực phẩm quen thuộc trong gia đình Việt. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo bạn không nên ăn quá nhiều cơm trong mỗi bữa. Thay vào đó, mẹ nên ưu tiên thực phẩm chứa nhiều đạm như thịt, cá… hoặc thực phẩm nhiều xơ như rau xanh, trái cây…

Nguồn(Soure) : marrybaby.vn

Bữa sáng cho bà bầu nên như thế nào cho hợp lý?

Không cần mất quá nhiều thời gian, chỉ với 15 phút ít ỏi, mẹ bầu sẽ có ngay một bữa sáng vừa ngon, vừa đảm bảo dinh dưỡng. Cùng là bánh mì, nhưng với 3 cách chế biến khác nhau, bữa sáng cho bà bầu, sau đây chúng tôi sẽ gợi ý sau  sẽ mang lại những hương vị hoàn toàn mới!



Theo các chuyên gia dinh dưỡng, một bữa sáng cho bà bầu hoàn hảo chắc chắn không thể thiếu nguồn năng lượng dồi dào từ bánh mì. Trung bình, cứ 2 lát bánh mì, bầu đã cung cấp cho cơ thể khoảng 138 calories, 1,8 gram chất béo, 3,8 gam chất xơ, 1,36 mg sắt và một lượng nhỏ các loại khoáng chất khác, chưa kể những nguồn dinh dưỡng từ các món ăn kèm như trứng, cà chua, bơ…


1/ Gợi ý bữa sáng cho bà bầu: Trứng ốp la ớt chuông

Nguyên liệu:
- 2 quả trứng gà
- 1 trái cà chua
- 1 quả ớt chuông xanh
- Bơ lạt
- Muối, hạt tiêu, thì là
Cách làm:
– Ớt chuông rửa sạch, bỏ cuống sau đó cắt thành từng khoang dày 1 cm.



– Tương tự, cà chua sau khi rửa sạch cũng cắt thành lát mỏng.
– Làm nóng chảo trên lửa nhỏ, cho bơ vào.
– Chờ bơ tan, đặt ớt chuông vào chảo.
– Thêm lát cà chua vào giữa miếng ớt.
– Đập trứng lên miếng cà chua. Lưu ý, cố gắng để tất cả trứng nằm gọn trong khoanh ớt chuông.
– Sau cùng, rắc muối tiêu, trang trí thêm thì là. Trứng ốp-la ớt chuông có thể ăn kèm cùng bánh mì sandwich.

2/ Gợi ý bữa sáng cho bà bầu: Pizza bánh mì

Nguyên liệu:
- 3 lát bánh mì sandwich
- ½ củ hành tây
- 2 muỗng canh ớt chuông
- 3 muỗng canh phô-mai bào nhuyễn
- 2 muỗng canh nước sốt cà chua
- Ít muối, tiêu, tương ớt.



Cách làm:
– Hành tây bóc vỏ, thái hạt lựu nhỏ. Ớt chuông bỏ hạt, cắt hạt lựu bằng hành tây.
– Dùng muỗng quết 1 lớp mỏng tương cà lên trên mặt bánh sandwich.
– Trải lần lượt hành tây, ớt lên lát bánh mì sandwich, rắc thêm ít muối tiêu, ớt bột và phô mai bào lên.
– Cho bánh vào lò nướng ở 200 độ C trong 5-7 phút hoặc cho đến khi phô-mai tan chảy.
3/ Gợi ý bữa sáng cho bà bầu: Bánh mì sandwich nhân bơ
Nguyên liệu:
Bánh mì sandwich: 2 cái
Bơ:  1 trái
Hạt thông: tùy lượng
Dầu ô liu: 1/2 muỗng cà phê
Hạt tiêu xay
Sốt kem bơ (guacamole):
Bơ chín: 1 quả
Chanh tươi: 1/2 quả
Hành tím
Cà chua chín bỏ hạt: 1/2 quả
Rau ngò
Muối biển: 1/4 muỗng cà phê
Tiêu xay
Cách làm:
– Làm sốt kem bơ: Lấy thịt bơ bỏ ra chén, dùng thìa dằm nát bơ, sau đó cho nước cốt chanh, muối biển vào đánh đều. Thêm hành tím băm nhỏ, rau mùi, cà chua bỏ hạt, bỏ vỏ thái nhỏ trộn đều. Đậy nắp cho vào tủ lạnh, khi nào cần dùng mới lấy ra.
– Bánh mì cắt làm 2 nửa. Đổ dầu ôliu vào chảo, cho từng nửa bánh mì lên chiên cho tới khi bánh xốp.

– Bơ gọt vỏ, bổ đôi, thái lát.
– Lấy từng lát bánh mì vừa chiên đặt lên đĩa, cho lần lượt sốt kem bơ, bơ xắt lát, dầu oliu, tiêu.
Lưu ý dành cho mẹ: Thay vì ăn bánh mì trắng, mẹ bầu có thể ăn bánh mì nâu, nhiều chất xơ và dưỡng chất hơn.

Nguồn (Source): marrybaby.vn

Trẻ sơ sinh thở khò khè thì bị bệnh gì?

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh thở khò khè. Nguyên nhân thường gặp nhất là do trẻ mắc các bệnh về hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi hay hen suyễn.




Khi áp sát tai gần miệng trẻ, nếu mẹ nghe thấy tiếng con thở bất thường, gần giống như tiếng ngáy, đó chính là biểu hiện của thở khò khè. Âm thanh trẻ sơ sinh thở khò khè có thể được nghe rõ từ xa khi bé thở mạnh.  Khoảng 30-40% trẻ bú mẹ đều có triệu chứng này, nhất là trong lúc ngủ. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng liên quan đến bệnh lý. Đôi khi, mẹ nhầm lẫn giữa nghẹt mũi với khò khè. Cũng có những trường hợp tiếng thở khò khè là do tư thế nằm ngủ bé khiến khí quản và khoang mũi bị chèn ép và chỉ cần thay đổi tư thế thì tiếng khò khè cũng biến mất.



Trẻ sơ sinh thở khò khè là triệu chứng của rất nhiều bệnh. Bé cần được thăm khám kỹ lưỡng để đưa ra kết luận chính xác
Trong khi các bố mẹ thường định nghĩa tất cả các dạng tiếng thở ồn ào hơn mức bình thường của bé là khò khè, các bác sỹ chỉ kết luận bé bị khò khè khi khi bé bị tắc nghẽn đường hô hấp dưới (khí quản, phế quản, phế nang, tiểu phế quản, buồng phổi).

Ở lứa tuổi từ sơ sinh đến 2-3 tuổi, bé dễ gặp hiện tượng này nhất, do phế quản lúc này còn quá nhỏ nên dễ bị co thắt, phù nề, tiết dịch và tắc nghẽn trong trường hợp bị viêm nhiễm.



Bệnh đường hô hấp cấp là một trong những bệnh phổ biến thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng và hay mưa. Đây cũng là bệnh có thể khiến bé phải đến phòng cấp cứu đấy nhé.

Nguyên nhân trẻ sơ sinh thở khò khè

-Nguyên nhân hàng đầu gây ra hiện tượng này đó chính là do bệnh hen suyễn. Trẻ bị hen suyễn rất hay thở khò khè khi ngủ. Các cơn khò khè cũng thường nặng hơn khi thời tiết thay đổi hoặc khi bé tiếp xúc với khói và các tác nhân gây kích ứng.
-Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi thường bị viêm tiểu phế quản, dị ứng, trào ngược dạ dày. Những dịch trào ngược này có thể chảy vào đường hô hấp, gây ra tình trạng trẻ sơ sinh khò khè.



Hơn cả nôn trớ, trào ngược dạ dày thực quản mang đến rất nhiều khó chịu cho bé yêu của bạn. Làm thế nào để phát hiện và khắc phục tình trạng này?
-Với trẻ dưới 1 tuổi, thở khò khè có thể là do bị mềm sụn thanh quản, hoặc vùng thanh quản của trẻ bị chèn ép bởi các mạch máu lớn. Tình trạng mềm sụn thanh quản này thường xảy ra ở trẻ sinh non hoặc đang bị tổn thương nào đó ở đường hô hấp. Một trong những bước để giúp khắc phục tình trạng này, đó là bố mẹ cần cho trẻ tắm nắng, bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D để sụn phổi mau cứng cáp.
-Trong thời gian bị sốt, ho, trẻ cũng thường hay khó thở, phổi có tiếng ro ro bất thường, và đây chính là dấu hiệu của viêm tiểu phế quản, viêm phế quản hoặc bệnh viêm phổi.
-Nếu bị viêm thanh phế quản cấp tính, bé sẽ thường xuyên ho, khàn tiếng và khó thở kèm theo tiếng thở khò khè vào ban đêm.
-Trẻ có thể bị tim bẩm sinh nếu thường xuyên khó thở, khò khè sau sinh, bú kém, da nhợt nhạt, tím tái.
-Dị vật ở đường thở cũng có thể gây ra tình trạng này ở trẻ từ 4-5 tháng tuổi.
-Viêm amiđan cấp tính đôi khi cũng làm bé bị khò khè có đờm.
-Ngoài ra các bệnh xơ sợi bẩm sinh, bất thường sọ hầu bẩm sinh, khối u ở phổi cũng khiến trẻ sơ sinh thở khò khè.
Xử trí thế nào khi bé hay thở khò khè
Vệ sinh mũi cho trẻ thường xuyên giúp mũi trẻ thông thoáng, trẻ dễ thở hơn. Nhỏ khoảng 2-3 giọt nước muối sinh lý vào mũi trẻ có thể giúp cải thiện tình hình này. Tuy nhiên, mẹ cũng nên phân biệt giữa tiếng thở khò khè và tiếng thở do bị tắc mũi. Vệ sinh mũi sẽ chỉ giúp khắc phục trường hợp bé nghẹt mũi.
Hướng dẫn mẹ cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh
Hướng dẫn mẹ cách rửa mũi cho trẻ sơ sinh
Thời tiết thay đổi đột ngột rất dễ làm trẻ mắc các bệnh về mũi, họng. Lúc này, mẹ cần vệ sinh mũi cho bé thường xuyên để điều trị chứng viêm mũi, đồng thời phòng cách bệnh về đường hô hấp. Chỉ khi rửa mũi đúng cách, chất nhờn, dị vật, vi trùng trong mũi bé mới bị loại bỏ, nhờ đó bé dễ thở hơn.
Bạn cũng nên thử xem bé có nằm nghiêng, nằm sấp dẫn đến khó thở hay không. Lúc này, chỉ cần điều chỉnh tư thế ngủ cho bé là đủ.
Trong quá trình chăm sóc bé, nếu con có biểu hiện nặng hơn, tình trạng khò khè không dứt, mẹ nên đưa bé đi thăm khám để được điều trị kịp thời, nhất là các trường hợp sau:
-Trẻ lần đầu tiên thở khò khè kèm khó thở, tím tái.
-Bé dưới 3 tháng tuổi bị khò khè khó thở, thở dốc cần được đưa đến bệnh viện ngay, bởi đây có thể là biểu hiện bệnh nặng khi trẻ ở lứa tuổi này.
-Trẻ thở khò khè kéo dài 3-4 tuần cần được đưa đến khám và làm xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán chính xác bệnh.
-Trẻ có tiền sử bị hen suyễn, bỗng khó thở đột ngột, tiếng thở khò khè cần được đi khám sớm
-Trẻ thở khò khè kèm nôn ói, sốt cao.
-Trẻ thở khó, co rút lồng ngực mỗi lần hít thở.
-Trẻ thở không đều, khó hít vào và phải gắng sức để thở ra.

Nguồn (Source): marrybaby.vn